Vấn đề bạo lực đối với phụ nữ ở các dân tộc thiểu số

21/08/2021 11:22
Cán bộ Hội LHPN xã An Thành (huyện Đak Pơ, Gia Lai) tuyên truyền về phòng-chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới. Ảnh: Đinh Yến

Cán bộ Hội LHPN xã An Thành (huyện Đak Pơ, Gia Lai) tuyên truyền về phòng-chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới. Ảnh: Đinh Yến

Bạo lực đối với phụ nữ nói chung và phụ nữ DTTS do chồng hoặc bạn tình gây ra thường là dạng bạo lực phổ biến nhất mà phụ nữ phải hứng chịu.

Các hình thức bạo lực gồm bạo lực thể xác, bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và kiểm soát hành vi. Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, bạo lực do chồng/bạn tình gây ra trong đời và bạo lực gây ra trong 12 tháng qua đều có sự khác biệt đáng kể giữa các dân tộc.

Trong 5 hình thức bạo lực do chồng/bạn tình gây ra, tỷ lệ phụ nữ DTTS bị bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần (trong đời và 12 tháng qua) đều thấp hơn so với tỷ lệ tương ứng của phụ nữ cả nước và phụ nữ Kinh. Trái lại, tỷ lệ phụ nữ DTTS lại bị kiểm soát hành vi và bạo lực kinh tế lại cao hơn so với tỷ lệ tương ứng của phụ nữ cả nước và phụ nữ Kinh.

Tỷ lệ phụ nữ DTTS bị bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục do chồng/bạn tình gây ra trong đời (29,4%) và trong 12 tháng qua (8,3%) đều thấp hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (lần lượt là 32,0 và 8,9%) và thấp hơn phụ nữ Kinh (lần lượt là 32,7% và 8,3%). Đặc biệt một số DTTS có tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước như Mông (lần lượt là 12,2% và 4,8%), Khơ me (lần lượt là 14,6% và 5,9%), Thái (lần lượt là 17,4% và 4,9%) và Mường (lần lượt là 20,3% và 4,9%). Tuy nhiên cũng có một số DTTS có tỷ lệ bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục rất cao như Nùng (lần lượt là 42,8% và 25,8%).

Tỷ lệ phụ nữ DTTS bị bạo lực tinh thần do chồng/bạn tình gây ra trong đời (43,7%) và trong 12 tháng qua (20,4%) đều thấp hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (lần lượt là 47,0 và 19,3%) và thấp hơn phụ nữ Kinh (lần lượt là 47,7% và 19,2%). Phụ nữ Mông có tỷ lệ bị bạo lực tinh thần thấp nhất, trong đời là 21,9% và trong 12 tháng qua là 5,8%. Tỷ lệ cao nhất nằm ở nhóm phụ nữ dân tộc Nùng với hơn một phần ba (34,9%) phụ nữ bị bạo lực tinh thần trong 12 tháng qua.

Tỷ lệ phụ nữ DTTS bị kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời (33,8%) và trong 12 tháng qua (17,4%) lại cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (lần lượt là 27,3 và 12,9%) và phụ nữ Kinh (lần lượt là 26,0% và 12,0%). Tỷ lệ này đặc biệt cao ở nhóm phụ nữ dân tộc Mông (54,7% trong đời và 25,6% trong 12 tháng qua) và dân tộc Dao (51,3% trong đời và 32,0% trong 12 tháng qua), mặc dù hai nhóm này có tỷ lệ trung bình về bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng/bạn tình gây ra thấp hơn.

Tỷ lệ phụ nữ DTTS bị bạo lực kinh tế do chồng/bạn tình gây ra trong đời (24,1%) và trong 12 tháng qua (16,4%) đều cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (lần lượt là 20,6 và 11,5%) và phụ nữ Kinh (lần lượt là 19,9% và 10,5%). Tỷ lệ này đặc biệt cao ở nhóm phụ nữ dân tộc Dao 45,8% trong đời và 28,6% trong 12 tháng qua.

Phân tích định tính chỉ ra rằng tình hình bạo lực ở các dân tộc phụ thuộc khá nhiều vào truyền thống mẫu hệ hay phụ hệ của dân tộc đó. Trong các nhóm xã hội theo phụ hệ, thì tập tục về vai trò và giá trị giới tương tự như ở nhóm dân tộc Kinh, ví dụ bị áp lực phải sinh được con trai. Phụ nữ thuộc nhóm dân tộc theo mẫu hệ, ví dụ như dân tộc Chăm, có vẻ như có quyền lực và khả năng kiểm soát cao hơn trong gia đình. Phụ nữ thuộc nhóm dân tộc này không phải chịu áp lực sinh con trai nhưng lại bị áp lực sinh con gái. 

Một quan sát đáng lưu tâm ở đây là phụ nữ dân tộc thiểu số tin rằng họ không bị bạo lực nhiều như phụ nữ dân tộc Kinh. Liệu điều này có ảnh hưởng đến kết quả khảo sát định lượng cho thấy "Tỷ lệ phụ nữ DTTS bị bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục do chồng/ bạn tình gây ra trong đời và trong 12 tháng qua đều thấp hơn so với tỷ lệ chung của cả nước và thấp hơn phụ nữ Kinh"? Nhiều phụ nữ DTTS có thái độ chấp nhận bạo lực do người chồng hoặc bạn tình gây ra hơn là phụ nữ người Kinh.

Nguồn: "Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam"

(còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.