Vấn đề giới trong việc làm của người dân tộc thiểu số

PV
10/08/2021 07:00
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lực lượng lao động nữ DTTS đang gặp nhiều bất lợi, là một trong những nhóm "yếu thế" trong thị trường lao động.

1.2. Vấn đề giới trong việc làm của người dân tộc thiểu số

Lực lượng lao động nữ DTTS đang gặp nhiều bất lợi, là một trong những nhóm "yếu thế" trong thị trường lao động. Trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) của lực lượng lao động (LLLĐ) là người DTTS có cải thiện so với năm 2015, tuy nhiên vẫn rất yếu kém. Tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo CMKT từ sơ cấp trở lên năm 2019 là 10,3% (nam 11,7% và nữ 8,9%), chưa bằng một nửa so với tỷ lệ tương ứng LLLĐ cả nước. Có tới 18/53 DTTS có tỷ lệ LLLĐ đã qua đào tạo CMKT dưới 5% như La Hủ 1,7% (nam 2,0% và nữ 1,4%), Xtiêng 2,1% (nam 2,8% và nữ 1,3%), Xinh Mun 2,1% (nam 2,9% và nữ 1,3%), Brâu 2,3% (nam 3,0% và nữ 1,5%), Ba Na 2,3% (nam 2,8% và nữ 1,9%).

Nữ DTTS có xu hướng tham gia lao động rất sớm; cơ cấu việc làm thể hiện sự bất lợi "kép" từ yếu tố dân tộc và giới tính. Rất nhiều em gái DTTS đã làm việc như người trưởng thành từ trước khi đủ 15 tuổi. Trong khi ở độ tuổi này, phần lớn em gái người Kinh còn đang tiếp tục đi học. Tỷ lệ tham gia LLLĐ16 của dân số là người DTTS từ 15 tuổi trở lên là 83,3% (nam 87,2% và nữ 79,4%), cao hơn so với tỷ lệ tương ứng của cả nước là 76,2% (nam 81,1% và nữ 71,4%). Có 9/53 DTTS có tỷ lệ tham gia LLLĐ cao, từ 90% trở lên như Cơ Lao 94,8% (nam 94,4% và nữ 95,2%), Lự 94,1% (nam 95,4% và nữ 92,8%), Cống 91,9% (nam 92,5% và nữ 91,4%). Đây cũng là các dân tộc có tỷ trọng việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp cao; người dân thường bắt đầu tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp cùng hộ gia đình từ độ tuổi còn đang đi học trung học cơ sở (THCS); đồng thời có xu hướng tiếp tục làm việc ngay cả khi đã qua độ tuổi lao động.

Vấn đề giới trong việc làm của người dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Lao động nữ DTTS làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương nhiều hơn so với lao động nam DTTS và lao động nữ người Kinh. Có tới 76,4% việc làm của lao động nữ DTTS trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, cao hơn gần 6 điểm % so với lao động nam DTTS (70,5%) và cao gấp đôi so với lao động nữ cả nước (35,9%). Có 24/53 DTTS có tỷ trọng việc làm của lao động nữ trong nông, lâm nghiệp chiếm trên 90%. Về vị thế trong việc làm, tỷ lệ lao động nữ DTTS làm các công việc "Lao động gia đình không hưởng lương" là 52,0%, cao gấp gần 2 lần so với tỷ lệ này của lao động nam DTTS là 26,6% và cao gấp hơn 2,5 lần so với lao động nữ cả nước 19,4%. Đây là nhóm công việc không ổn định, điều kiện làm việc kém hơn so với việc làm ở các khu vực khác và không thuộc đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và BHYT bắt buộc.

Có nhiều rào cản đối với lao động nữ DTTS trong dịch chuyển việc làm ra khỏi nông-lâm nghiệp và tiếp cận công việc làm công ăn lương tại các nhà máy, doanh nghiệp tại địa phương, các khu công nghiệp trong nước hoặc đi làm việc ở nước ngoài. Nguyên nhân gồm: (i) trong vai trò giới hiện tại thì phụ nữ DTTS vẫn gắn với công việc nội trợ và chăm sóc gia đình nhiều hơn nam giới DTTS; (ii) định kiến của xã hội về phụ nữ đi làm xa quê hương vẫn nặng nề ở một số nhóm DTTS; (iii) tình trạng phụ nữ DTTS mù chữ, tái mù chữ cao, không giao tiếp được bằng ngôn ngữ phổ thông, trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật; (iv) thiếu kỹ năng cơ bản để di cư lao động an toàn và hiệu quả như thiếu hiểu biết về luật pháp, chính sách về lao động, việc làm; thiếu các kỹ năng giao tiếp, công nghệ thông tin… 

Tìm việc làm bất hợp pháp ngoài biên giới là lựa chọn cuối cùng của lao động nữ DTTS yếu thế. Đối với những nhóm lao động nữ DTTS yếu thế không đáp ứng được các điều kiện tuyển dụng để làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp trong nước hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì tìm việc làm bất hợp pháp ngoài biên giới là lựa chọn ngày càng phổ biến. Mặc dù công việc này có thể mang lại nguồn thu nhập trước mắt cho các phụ nữ yếu thế, tuy nhiên nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong quá trình làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, đặc biệt là mua bán người.

Vấn đề giới trong việc làm của người dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Ảnh: UN Women Việt Nam/Aiden Dockery

Các nghiên cứu về sinh kế của hộ DTTS, vùng DTTS&MN đều chỉ ra mức độ tiếp cận với các cơ hội hỗ trợ phát triển sinh kế, tạo thu nhập của phụ nữ DTTS hạn chế hơn so với nam DTTS do họ phải chịu bất lợi đan xen có nguyên nhân từ yếu tố dân tộc và giới. Kinh nghiệm trong phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo, DTTS chỉ ra rằng việc xác định các chuỗi giá trị có nhiều đối tượng hưởng lợi là phụ nữ; sự tham gia của phụ nữ ở những vị trí nòng cốt trong tổ nhóm sản xuất, các hoạt động khởi sự, khởi nghiệp là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả. Tuy nhiên, sự tham gia của phụ nữ vào những vị trí nòng cốt trong các tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, hay phụ nữ khởi nghiệp thường gặp nhiều khó khăn và rào cản hơn so với nam giới. Các rào cản này có thể gồm: rào cản về tài chính, cạnh tranh, hạn chế trong di chuyển, quan hệ gia đình, thiếu đào tạo chuyên môn, thiếu khả năng đương đầu với rủi ro…

Nguồn: "Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam"

(còn nữa)

Nguồn: Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.