Vấn đề tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số: Các khuyến nghị chính sách

20/08/2021 11:00
Truyền thông về công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình cho đồng bào DTTS tại thôn bản vùng cao. Ảnh minh họa

Truyền thông về công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình cho đồng bào DTTS tại thôn bản vùng cao. Ảnh minh họa

3 khuyến nghị chính sách đối với vấn đề tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số.

KHUYẾN NGHỊ 1

Cần áp dụng cách tiếp cận đa chiều, toàn diện để xây dựng một chiến lược can thiệp tổng thể và bền vững đối với tảo hôn ở vùng DTTS&MN.

Giải pháp 1:

Tăng quyền năng cho trẻ em gái DTTS, đặt trẻ em gái DTTS là trung tâm của chiến lược và các giải pháp can thiệp về tảo hôn trong vùng DTTS&MN. Tăng cường tiếp cận thông tin và giáo dục cho trẻ em ở lứa tuổi từ 13 tuổi đến 18 tuổi về sức khỏe sinh sản và nhận thức về hôn nhân phù hợp với đặc điểm văn hóa của các dân tộc khác nhau trong trường học và trong cộng đồng. "Bình thường hóa" việc sử dụng các biện pháp tránh thai trong quan niệm đạo đức của người DTTS. Bảo đảm cho thanh, thiếu niên DTTS (nam và nữ) có khả năng tiếp cận các dịch vụ chất lượng về chăm sóc sức khỏe sinh sản; dịch vụ tư vấn về tâm lý, tình dục; nhà tạm lánh và các dịch vụ xã hội khác.

Giải pháp 2:

Tăng cường tiếp cận của trẻ em DTTS (nam và nữ) tới cơ hội có chất lượng trong thị trường lao động và trong hoạt động cộng đồng. Cụ thể, tăng cường cơ hội cho trẻ em DTTS tham gia các khóa học nghề có chất lượng và phù hợp với lứa tuổi; từ đó tạo cơ hội tiếp cận tới những việc làm có chất lượng.

Giải pháp 3:

Tăng cường sự tham gia của trẻ em DTTS (nam và nữ) vào quá trình ra các quyết định có liên quan đến trẻ em; nâng cao năng lực để trẻ em DTTS (nam và nữ) có thể tự tin, độc lập, tự chủ khi tham gia các hoạt động ở nhà trường và cộng đồng.

Giải pháp 4:

Tăng cường cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tư vấn và can thiệp cho nữ và nam DTTS dưới 18 tuổi; mở rộng hơn so với quy định của pháp luật Việt Nam về độ tuổi 'trẻ em là người dưới 16 tuổi". Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn cho cán bộ các cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ rà soát, phát hiện các trường hợp có nguy cơ tảo hôn; cung cấp dịch vụ tư vấn, can thiệp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các trường hợp tảo hôn.

Giải pháp 5:

Phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thông tin kịp thời giữa các bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan là điều kiện căn bản để áp dụng thành công tiếp cận đa chiều, toàn diện và bền vững trong phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Giải pháp 6:

Cần bảo đảm việc xây dựng kế hoạch và triển khai chiến lược, giải pháp can thiệp có nhạy cảm về văn hóa và nhạy cảm giới. Trẻ em trai và trẻ em gái, gia đình và cộng đồng của các em cần được tham gia bình đẳng và thực chất trong toàn bộ tiến trình lập kế hoạch, triển khai thực hiện, giám sát và đánh giá về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Giải pháp 7:

Tăng cường công tác giám sát, đánh giá việc xây dựng kế hoạch và thực thiện các chiến lược, chính sách nhằm bảo đảm tính hiệu quả; đồng thời phát hiện kịp thời những đối tượng yếu thế trong tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ các chiến lược, can thiệp về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Vấn đề tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số: Các khuyến nghị chính sách - Ảnh 1.

Tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình ở vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Thanh Nhật

KHUYẾN NGHỊ 2

Đẩy mạnh truyền thông hiệu quả về tảo hôn trong vùng DTTS&MN.

-  Phân tích nhu cầu của nhóm đối tượng nam và nữ trong cộng đồng người dân tộc thiểu số trước khi triển khai xây dựng kế hoạch, nội dung, phương pháp, công cụ, tài liệu tập huấn và truyền thông về giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng DTTS&MN.

-  Biên soạn tài liệu truyền thông đơn giản, dễ hiểu, trọng tâm và phù hợp với trình độ của cán bộ và người dân vùng DTTS&MN. Tài liệu cần được biên soạn, dịch sang ngôn ngữ DTTS; ưu tiên dịch sang ngôn ngữ các DTTS có tỷ lệ tảo hôn cao, các DTTS có chữ viết như Mông, Khmer, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Chăm, Cơ Ho, Cơ Tu, Bru Vân Kiều, Xơ Đăng, Mnông…

- Hình thức tuyên truyền phải đặc thù riêng cho đối tượng đặc thù là người DTTS, vùng DTTS, gắn với những tình huống phát sinh trong đời sống hằng ngày, phù hợp với tập quán, văn hóa của đồng bào DTTS. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền.

-  Phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tuyên truyền ở địa phương để phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Dân số và Gia đình và các văn bản liên quan. Phối hợp với bộ đội biên phòng, các hội, đoàn thể, già làng, người có uy tín, trưởng thôn, chức sắc, chức việc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để kết hợp tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với tuyên truyền về công tác dân số và giáo dục giới tính.

KHUYẾN NGHỊ 3

Cần tiếp tục nghiên cứu toàn diện và sâu sắc hơn về tình hình, nguyên nhân của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở từng cộng đồng, từng nhóm dân tộc, từng địa phương (nghiên cứu, lập bản đồ và đánh giá), làm căn cứ cho đề xuất các chiến lược, giải pháp can thiệp, ứng phó phù hợp. Cần kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng để có thể xác định chính xác những nguyên nhân của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở các cộng đồng, các địa phương khác nhau.

Các nghiên cứu cụ thể cần triển khai gồm:

(i) Nghiên cứu về hành vi tình dục, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; các chuẩn mực xã hội liên quan đến kết hôn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các cộng đồng người DTTS;

(ii) Nghiên cứu những trường hợp ít phổ biến hơn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết, (ví dụ trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở địa bàn thành thị, ở người Kinh, ở nhóm có trình độ học vấn cao), thông qua đó có thể thấy được một bức tranh toàn cảnh về tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Việt Nam;

(iii) Bên cạnh nghiên cứu các chuẩn mực và tập tục có hại, ảnh hưởng tiêu cực tới tảo hôn, hôn nhân cận huyết; cần nghiên cứu cả chuẩn mực và tập tục có lợi, giúp gắn kết cả cộng đồng tham gia vào việc đẩy lùi và xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Nguồn: "Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam"

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.