Vang mãi thanh âm mã la giữa núi rừng Ninh Thuận

03/07/2021 07:44
Đội mã la xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận

Đội mã la xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận

Từ ngàn xưa, mã la được xem là tài sản quý giá trong mỗi gia tộc và là vật thiêng trong đời sống tâm linh của đồng bào Raglai tỉnh Ninh Thuận. Ngày nay, tuy đã có nhiều thay đổi, nhưng âm vang mã la không thể thiếu vắng trong các lễ hội truyền thống của cộng đồng Raglai ở vùng đất này.

Hồn thiêng của đồng bào Raglai

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên (Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Ninh Thuận), mã la là nhạc cụ tiêu biểu và là vật thiêng của mỗi gia tộc người Raglai. Sở dĩ xem mã la là vật thiêng vì nó có thể thay mặt cho gia tộc hướng về tổ tiên, ông bà trong các lễ hội của người Raglai.

Ngày xưa, mã la đóng vai trò là thần bảo vệ, thần tiên tri, báo hiệu điều lành, điều dữ cho dân làng biết để ứng phó. Chẳng hạn như trong sử thi "Uya - Yuhea", đêm đám cưới của Uya, mã la báo tin dữ rằng Patao Tamul đang sắp sửa kéo quân đến đánh làng của Uya để cướp vợ đẹp, chiếm dân làng làm tôi tớ. Nhờ được mã la báo tin, nên 2 người anh hùng Uya và Yuhea đã đề phòng được tai họa.

Ngày nay, trong các nghi lễ của đồng bào Raglai, nhất là trong các lễ hội còn lưu giữ như: Lễ ăn đầu lúa, lễ bỏ mả... thì không thể thiếu mã la. Tiếng mã la tượng trưng cho người dẫn đường, lời mời mộc, thỉnh cầu ông bà, tổ tiên về chung vui với dòng tộc, con cháu.

Đồng bào Raglai vốn ít thổ lộ tình cảm bằng lời nói. Do đó, mã la là nhạc cụ duy nhất trong gia tộc để mọi người gửi gắm tình cảm, ước mơ và giáo dục con cái luôn nhớ về cội nguồn, ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Vang mãi thanh âm mã la giữa núi rừng Ninh Thuận - Ảnh 1.

Nghệ nhân Mai Thắm dạy đánh mã la cho các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Pi Năng Tắc, huyện Bác Ái

Theo nghệ nhân Mai Thắm (ngụ thôn Ma Oai, xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận), mã la thể hiện bản sắc và giá trị truyền thống của dân tộc. Một bộ mã la cần có ít nhất từ 5 chiếc. Trong đó, có 3 chiếc tượng trưng cho 3 người mẹ: Mẹ một giữ nhà, mẹ 2 chính giữa và mẹ 3 là út mẹ. Bên cạnh đó, có các con cùng hòa âm với mẹ. Nếu bộ mã la có đủ 3 mẹ và có các con thì đánh nghe mới hay, cả làng nghe mới thích.

Các nhà nghiên cứu cho biết, hiện có khoảng 100 bài nhạc mã la. Trong đó, chỉ có khoảng 5 - 6 bài nhạc lễ mang tính thiêng dùng trong phần lễ, còn lại chủ yếu dùng trong phần hội. Mỗi bài nhạc mã la đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, sự khổ luyện lâu dài giữa các thế hệ. Đặc trưng riêng có của người diễn tấu mã la là cúi khom người, chân bước chậm rãi, lắc mông theo nhịp. Tất cả âm sắc, trường độ, cao độ, âm bồi, âm tắc, độ vang đều do bàn tay để ở phần bên trong của mã la điều khiển.

Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho thấy, dân tộc Raglai có khoảng 30 - 40 loại nhạc cụ cổ truyền. Tuy nhiên, nhiều loại nhạc cụ đã vắng bóng do những người biết chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ này không còn nhiều và đã lớn tuổi. Hiện nay, mã la là nhạc cụ vẫn còn phổ biến. Hiện toàn tỉnh có 220 bộ mã la với 1.772 chiếc. Trong đó, nhiều nhất là huyện Bác Ái với 146 bộ/1.012 chiếc.

Nỗ lực bảo tồn và phát huy

Mã la rất quan trọng với đồng bào Raglai. Thế nhưng, trong thời buổi hiện đại, một bộ phận lớp trẻ không còn mặn mà với loại nhạc cụ này, khiến cho âm vang mã la có nguy cơ "đứt nhịp". Trước thực trạng này, cách đây 8 năm, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Ninh Thuận chọn xã Phước Thắng thí điểm thành lập các đội mã la gia tộc Raglai.

Mục đích của việc thành lập các đội mã la là tuyên truyền, vận động đồng bào hiểu được ý nghĩa và nâng cao nhận thức để giáo dục con cháu trong tộc họ về ý thức bảo tồn, phát huy nhạc cụ truyền thống của cộng đồng mình. Bằng sự cố gắng, nỗ lực của Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan ban ngành cũng như các nghệ nhân tâm huyết với việc truyền dạy mã la, hiện toàn tỉnh Ninh Thuận có 20 đội mã la gia tộc Raglai. Và, nhiều năm nay, các nghệ nhân dân gian Raglai vẫn đang miệt mài truyền dạy, chuyển giao cho con cháu.

Vang mãi thanh âm mã la giữa núi rừng Ninh Thuận - Ảnh 2.

Các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Pi Năng Tắc thích thú khi học đánh mã la

Nhiều năm qua, nghệ nhân Mai Thắm đảm nhận việc truyền dạy cho 2 tộc họ Pi Năng và Patâu Asá ở xã Phước Thắng, với các cháu có độ tuổi từ 11 - 14. Giờ đây, con cháu trong 2 tộc họ này đã biểu diễn thuần thục nhạc cụ và có nhiều chuyến lưu diễn trong, ngoài tỉnh Ninh Thuận.

Nghệ nhân Mai Thắm cho hay, lúc còn nhỏ, ông đã biết đánh mã la. Trong các dịp lễ của tộc họ tổ chức, âm vang của mã la không thể thiếu. Trước đây, ông rất lo lắng về sự mai một của nhạc cụ mã la. Nhưng những năm gần đây, các cháu nhỏ tuổi vừa học chữ, vừa học mã la nên ông rất vui. Và đó là cách tốt nhất để bảo tồn nét văn hóa độc đáo của cộng đồng Raglai.

"Tuy việc truyền dạy mã la mấy năm qua luôn duy trì, phát triển tốt, nhưng sau khi các cháu học hết phổ thông rồi đi học và làm ăn xa, việc tập luyện sẽ không còn được duy trì như lúc ở địa phương. Đặc biệt, số lượng mã la tại các gia tộc không đủ, thường xuyên phải đi mượn nơi khác khi tập luyện nên ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý học đánh mã la của các cháu", ông Thắm chia sẻ.

Chính nỗ lực của các gia tộc đã giúp nhiều trẻ em Raglai cảm nhận sâu hơn những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Các nghệ nhân lớn tuổi ở huyện Bác Ái luôn miệt mài và dồn hết nhiệt huyết của mình trong việc truyền dạy. Do đó, việc truyền dạy ngày càng phát triển.

"Dạy đánh mã la cho các cháu nhỏ rất khó, nhưng như thế mới giữ được nét văn hóa của dân tộc. Tôi chủ yếu truyền dạy mã la cho con gái vì đồng bào Raglai theo chế độ mẫu hệ nên các cháu sẽ truyền lại từ đời này qua đời khác. Đối với con trai, khi lớn lên lấy vợ và đi nơi khác sống, mình vừa mất đội, vừa mất các bài nhạc đã dạy", nghệ nhân Pi Năng Thị Kính (ngụ thôn Ma Oai, xã Phước Thắng) bộc bạch.

"Một trong những cách bảo tồn hiệu quả nhạc cụ mã la của đồng bào Raglai đó là duy trì việc truyền dạy trong các gia tộc cho lớp trẻ, nhất là các cháu gái từ 11 - 14 tuổi. Bởi các cháu này luôn ở tại làng và dù khi trưởng thành, có lấy chồng thì các gia tộc vẫn duy trì được đội mã la, với chế độ mẫu hệ mẹ truyền con nối. Từ đó, giá trị bảo lưu, phát huy di sản văn hóa của người Raglai sẽ được nâng lên", nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn