Vẻ đẹp của đồ thờ dân gian trong tranh sơn mài

30/11/2021 22:25
Một tác phẩm sơn mài trong triển lãm "Nối tiếp" của họa sĩ Nguyễn Tiến Ngọc

Một tác phẩm sơn mài trong triển lãm "Nối tiếp" của họa sĩ Nguyễn Tiến Ngọc

Tranh sơn mài của Nguyễn Tiến Ngọc không chỉ ca ngợi vẻ đẹp trong nghi thức hành lễ trong văn hóa thờ cúng của người Việt mà còn thể hiện một sự am hiểu sâu sắc về đạo Phật.

Họa sĩ Nguyễn Tiến Ngọc sinh năm 1982 tại Khoái Châu, Hưng Yên, nơi có đền thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung. Ngay từ nhỏ, đồ thờ dân gian đã thấm sâu trong anh, qua hình ảnh của mẹ, của bà sửa soạn phẩm vật và thành tâm hành lễ. Lúc đó, anh chỉ là cậu bé lăng xăng bên những người thân và được quan sát cách bà và mẹ chuẩn bị một mâm cúng.

Anh chia sẻ, vào ngày rằm, mùng 1, ngày lễ, trên ban thờ đều rực rỡ vẻ đẹp văn hóa truyền thống. Dù chỉ đơn sơ là bát hương, đèn dầu, nén hương, những đồ thờ dân gian là vật chứng của những lời khấn mang niềm tin về hạnh phúc, an lạc của con người trong sự cung kính, khoan thai.

Hơn thế, đồ thờ qua từng thời kỳ lịch sử còn mang những giá trị về thẩm mỹ và giá trị tín ngưỡng. Dù có sự khác nhau về hình thức nhưng đồ thờ đều có chung mục đích là để con người bày tỏ tấm lòng của mình trước tổ tiên, các đấng siêu nhiên và cùng hướng tới cái thiện.

Vẻ đẹp của đồ thờ dân gian trong tranh sơn mài  - Ảnh 1.

Họa sĩ Nguyễn Tiến Ngọc

Trân trọng vẻ đẹp của tín ngưỡng và nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Tiến Ngọc đã chọn chủ đề đồ thờ dân gian để theo đuổi trong nhiều năm qua. Từ ngày 2 đến ngày 11/12/2021, anh sẽ ra mắt triển lãm cá nhân với chủ đề Nối tiếp tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Triển lãm Nối tiếp gồm những bức tranh sơn mài với chủ đề Nghi lễ thờ cúng trong phong tục văn hóa dân gian Việt Nam, đề cao triết lý "Sắc tức thị không, không tức thị sắc" của Phật giáo.

Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm được chia làm 2 phần. Phần 1 gồm những tác phẩm thể hiện vẻ đẹp văn hóa truyền thống qua nghi lễ thờ cúng thể hiện lòng biết ơn những người có công với làng xã, ý thức giữ gìn luật lệ, lề lối gia phong, ý thức đoàn kết, cố kết cộng đồng. Điều này được gửi gắm qua những đối tượng tạo hình như chó đá, các lễ vật như hương, hoa, oản, quả, bánh chưng và các đồ thờ được như đèn, bát hương, đĩa, chén nước, lọ hoa hay các vật dụng là cơi trầu, bình vôi, mõ cá... Tất cả đều nhuốm màu thời gian, như một bảo tàng về đời sống sinh hoạt và tâm linh đặc trưng của người nông dân đồng bằng Bắc bộ đầu thế kỷ trước.

Phần 2 tập trung vào triết lý Phật giáo "Sắc bất thị không, không bất thị sắc" - sự khởi nguồn cũng chính là sự kết thúc, kiếp luân hồi của con người gắn liền với sự vô tận của vũ trụ và thời gian. Theo Nguyễn Tiến Ngọc, con người khi chìm đắm trong vô minh dù có mở to những con mắt thô kệch, vô hồn cũng không thể tìm thấy hạnh phúc, giống như những con cá bơi lội không ngừng với đôi mắt không chớp bao giờ. Bởi thế, họa sĩ đề cao tính Chân, Thiện, Mỹ khi dùng Triết lý Phật giáo để làm cảm hứng cho các sáng tác của mình, như một thứ ánh sáng xuyên suốt các tác phẩm.

"Đèn thời Trần" - tranh sơn mài của Nguyễn Tiến Ngọc

"Đèn thời Trần" - tranh sơn mài của Nguyễn Tiến Ngọc

Họa sĩ Nguyễn Tiến Ngọc cho biết, tư tưởng bình dân lấy thiện tâm chân thật làm đầu, rồi mới tới cái đẹp được chọn thể hiện với các tác phẩm trong loạt tranh Nối tiếp. "Tự thân những đồ vật đó trên ban thờ đã nói lên những giá trị của văn hóa dân tộc. Ở một góc độ nào đó như gợi cho con người quá khứ và hiện tại, kể cả việc suy ngẫm tới nỗi ám ảnh thường trực là cái sống và cái chết.

Đồ thờ mặc dù chỉ là hình thức vật thể, hoặc đơn sơ, hoặc vô cùng phức tạp về thẩm mỹ chế tác, lệ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể mỗi thời kỳ lịch sử. Mục đích luôn là để giúp tâm hướng hướng thiện vì lòng người. Ban thờ cúng hội tụ vẻ đẹp văn hóa truyền thống. Những vẻ đẹp đó được kết tinh lại sâu sắc trong hiện tại đang có được là nhờ quá khứ nghìn năm vun đắp mà thành", anh bày tỏ.

Nói về triển lãm Nối tiếp, nhà sưu tập tranh Nguyễn Thanh Mai nhận xét: "Triển lãm lần này ta bắt gặp một Nguyễn Tiến Ngọc không chỉ ca ngợi vẻ đẹp trong nghi thức hành lễ trong văn hóa thờ cúng của người Việt mà còn là một người có sự am hiểu và cảm nhận sâu sắc về đạo Phật thông qua thủ pháp đồng hiện vô thức, ngôn ngữ tạo hình dung dị, phóng khoáng, tự do hòa quyện với chất liệu sơn mài công phu đã có sự biến đổi theo thời gian, tạo sự rung động cho người thưởng lãm".

Nguyễn Tiến Ngọc tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Công nghiệp năm 2011, từ đó đến nay anh là họa sĩ sáng tác tự do, tập trung vào đề tài văn hóa dân gian với chất liệu sơn mài. Trước triển lãm Nối tiếp, anh đã thực hiện triển lãm "Đa điểm" và "Tôi là chúng ta".
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn