Việc công chứng sẽ ra sao khi thu hồi sổ hộ khẩu?

Đinh Thu Hiền
23/05/2022 - 18:21
Việc công chứng sẽ ra sao khi thu hồi sổ hộ khẩu?

Ảnh minh họa

Sau khi nộp hộ khẩu cho công an địa phương, người dân phải chứng minh với công chứng viên bằng Giấy xác nhận cư trú khi đi công chứng.
Giấy xác nhận chỉ có giá trị 1 tháng

Anh Trần Văn Phương, ngụ tại quận 2, TPHCM, cho biết, anh bị thất lạc sổ hộ khẩu; căn cước công dân chưa được nhận sau khi đổi từ chứng minh thư sang, nên khi gia đình ra công chứng ký bán đất, công chứng viên đã hướng dẫn anh Phương phải ra công an phường để xin giấy xác nhận cư trú.

Trường hợp khác, chị Nguyễn Thu Hương, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM, khi đi làm thủ tục thay đổi nơi cư trú, công an địa phương đã thu hồi sổ hộ khẩu. Chị Hương sau đó có việc ra công chứng liên quan làm một số giấy tờ ủy quyền, công chứng viên cũng hướng dẫn chị Hương quay trở lại công an phường để xin giấy xác nhận cư trú. Giấy này chỉ có giá trị trong 1 tháng. "Tháng sau, tôi đi mua miếng đất nên lại phải tới phường để xin tờ giấy khác. Nếu ai đó thường xuyên có công việc liên quan tới việc công chứng thì cứ mỗi tháng lại phải gặp công an để xin tờ giấy này", chị Hương cho biết.

Luật sư Phạm Hoài Nam, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết, từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực và áp dụng 2 chính sách mới liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú - những cuốn sổ mà hơn 70 năm nay đã gắn chặt với đời sống của mỗi hộ dân. Theo Luật Cư trú, không phải tất cả sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đều bị thu hồi, mà chỉ khi người dân đi làm các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ đã cấp. Các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thu hồi sổ được Bộ Công an hướng dẫn tại Điều 26 Thông tư 55/2021/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, cụ thể như sau:

- Thủ tục đăng ký thường trú; Thủ tục điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; Thủ tục tách hộ; Thủ tục xóa đăng ký thường trú; Thủ tục đăng ký tạm trú; Thủ tục gia hạn tạm trú; Thủ tục xóa đăng ký tạm trú.

Chưa liên thông kết nối

Khi được hỏi về việc chuẩn bị các giấy tờ hoàn tất thủ tục công chứng, anh H.Anh, nhân viên tư vấn của Văn phòng công chứng B.T (quận 1, TPHCM), tư vấn: "Người dân đã nộp sổ hộ khẩu cho công an thì cần tới công an địa phương cư trú để xin Giấy xác nhận cư trú. Giấy này chỉ có giá trị 1 tháng".

Khi được hỏi, đã có căn cước công dân gắn chip rồi, vì sao lại phải đi xin Giấy xác nhận cư trú, anh H.Anh cho biết, vì chưa thể xác minh được nơi cư trú của người đi làm thủ tục công chứng qua căn cước công dân, nên bắt buộc phải có Giấy xác nhận cư trú thì mới hoàn tất được.

Luật sư Phạm Hoài Nam phân tích, câu hỏi đặt ra: "Việc công chứng ra sao khi không còn sổ hộ khẩu giấy?" của người dân là vô cùng chính đáng. Hiện nay, sổ hộ khẩu liên quan tới nhiều thủ tục hành chính thiết yếu như: Công chứng, đăng ký nhập học, đăng ký xe, giao dịch ngân hàng (làm hồ sơ vay), hồ sơ liên quan tới nhà, đất… Trong khi đó, Luật Cư trú 2021 quy định thu hồi sổ hộ khẩu thì các thủ tục hành chính hay các giao dịch vẫn còn đòi hỏi phải có sổ hộ khẩu sẽ ra sao? Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

"Thu hồi sổ hộ khẩu đồng nghĩa với việc toàn bộ thông tin của công dân trên sổ hộ khẩu bị thu hồi đã được cập nhật đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mục đích của việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu trước đây là để xác nhận các thông tin nhân thân của cá nhân. Vì vậy, về nguyên tắc, khi thực hiện thủ tục liên quan cần sổ hộ khẩu trước đây thì nay sẽ khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu dân cư để xác nhận mà không phải xuất trình sổ hộ khẩu nữa", luật sư Phạm Hoài Nam phân tích.

Theo luật sư Phạm Hoài Nam, trên thực tế, khi người dân đến các văn phòng công chứng để công chứng giấy tờ nhưng đã bị thu hồi sổ hộ khẩu nên bên cơ quan công chứng lại yêu cầu phải có Giấy xác nhận cư trú chứ không chấp nhận Biên bản thu hồi sổ hộ khẩu. "Thêm vào đó, nhiều phòng công chứng vẫn chưa liên thông kết nối dùng chung dữ liệu cư trú quốc gia. Do đó, việc xác định thông tin cư trú, nhân thân của người đi công chứng vẫn dựa vào sổ hộ khẩu (nếu chưa bị thu hồi) hoặc giấy xác nhận cư trú. Vì vậy, đang phát sinh thêm thủ tục là: Người dân phải đi xin cấp Giấy xác nhận cư trú theo Mẫu 07 thuộc Thông tư 56/2021/TT-BCA. Mục đích nhà làm luật đưa ra phương án thu hồi sổ hộ khẩu để giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà. Tuy nhiên, hiện nhà làm luật lại chưa đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng các giao dịch, thủ tục hành chính vẫn đang quy định phải có sổ hộ khẩu. Đây là kiểu cắt bớt thủ tục rườm rà này qua thủ tục rườm rà khác", luật sư Phạm Hoài Nam phân tích.

Mặt khác, cũng theo luật sư Hoài Nam, căn cứ vào khoản 4 Điều 38 của Luật cư trú: "Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính". Như vậy, khi giao dịch hay đi công chứng thì việc các cơ quan chức năng yêu cầu Giấy xác nhận cư trú là không có cơ sở. Trong khi đó, khi sổ hộ khẩu bị thu hồi sẽ có Biên bản thu hồi và nội dung của biên bản thu hồi cũng đã thể hiện rõ các thông tin cần thiết giống như của giấy xác nhận nơi cư trú. "Vậy tại sao lại bắt người dân phải xin Giấy xác nhận cư trú nữa?". Nói tóm lại, theo luật sư Phạm Hoài Nam, người dân khi cần thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu mà sổ hộ khẩu bị thu hồi, thay vì phát sinh thêm thủ tục là xin cấp Giấy xác nhận nơi cư trú thì các cơ quan công quyền nên sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu không thể truy cập được vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì sẽ sử dụng căn cước công dân và biên bản thu hồi sổ hộ khẩu.

"Đồng thời, cơ quan Nhà nước nên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật Cư trú 2021", luật sư Phạm Hoài Nam đưa ý kiến.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm