Hơn 2 thập kỷ làm việc nghĩa trên đỉnh đèo Voi

04/07/2021 07:32
Bà  Nguyễn Thị Quảng chỉ những nơi xảy ra tai nạn  trên đèo Phước Tượng

Bà Nguyễn Thị Quảng chỉ những nơi xảy ra tai nạn trên đèo Phước Tượng

Hơn 20 năm qua, ông bà Lưu Bình Phúc (77 tuổi), Nguyễn Thị Quảng (71 tuổi), giáo dân Công giáo, đã bỏ nhiều công sức cứu những người bị tai nạn giao thông trên đèo Phước Tượng (còn gọi là đèo Voi), thuộc thôn Phước Tượng, xã Lộc Trì (Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Đưa tay chỉ về phía khúc cua của con đèo, bà Quảng nói: "Đèo này chỉ dài trên 3km nhưng tai nạn giao thông làm chết người thường xảy ra. Năm ngoái, khoảng 11h trưa, có một chiếc xe tải chạy hướng Nam-Bắc đâm phải 2 người đi xe máy cùng chiều. Lúc đó cả nhà tôi đang ngồi ăn cơm trưa, nghe tiếng "rầm". Biết lại có tai nạn, ông Phúc bỏ bát cơm xuống chạy ra thì thấy hai người đi xe máy bị bánh xe tải cán qua người. Ông chạy đến, lôi hai người bị nạn ra và băng bó vết thương. Bà thì vào gọi điện cho công an và xe cấp cứu tới đưa nạn nhân đến bệnh viện. Nhưng vì bị thương quá nặng nên đã có một người tử vong".

"Tôi còn nhớ như in, lúc đang đi chăn dê trên núi về, tôi thấy một đám người giữa đèo. Mọi người đều xì xào "chắc chết mất, não văng ra như thế thì làm sao sống được". Tôi rẽ đám đông vào thì thấy một người đang nằm bất tỉnh bên cạnh chiếc xe máy nát bét. Tôi nhào vô bồng anh ta dậy và kiểm tra xung quanh người, thì ra miệng anh ta đang nhai kẹo cao su trắng rơi ra dính vào đầu, mọi người tưởng là bể não. Xong rồi tôi bồng nạn nhân với thân hình bê bết máu lên xe máy chở về Bệnh viện Phú Lộc cấp cứu kịp thời và anh ta đã thoát chết…", ông Phúc nhớ lại việc mình cấp cứu một nạn nhân bị tai nạn giao thông khác.

Vợ chồng 20 năm làm việc nghĩa trên đỉnh đèo Voi - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Phúc - bà Quảng kể về những lần gia đình ông bà cứu người bị tai nạn

Ông Phúc tâm sự: Một lần, có một ông ở miền Bắc, nghe nói làm chức vụ gì đó to lắm. Đi trên xe 24 chỗ ngồi, đến giữa đèo thì bị ngất xỉu, chân tay co quắp, người cứng lại. Chúng tôi đưa vào nhà cạo gió, đánh gió… sơ cứu và gọi xe đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Hằng năm có dịp đi qua đèo, người đàn ông này lại mua quà biếu và gửi tiền để cảm ơn nhưng chúng tôi không nhận tiền bạc.

"Ở đây, thường xảy ra cháy rừng, tai nạn, bất kể nửa đêm gà gáy, nhiều người đến kêu gia đình tôi. Có những vụ tai nạn giao thông thảm khốc mà nạn nhân chết tại chỗ, không ai dám đến gần. Những lúc như thế, tôi tự đến tắm rửa cho nạn nhân, chờ người thân đến nhận. Nếu không có ai, tôi tự tay chôn cất nạn nhân dưới chân núi. Có những nấm mồ sau 2-3 năm vẫn chưa có ai đến nhận. Vì thế, hàng năm cứ đến ngày rằm, lễ, Tết gia đình tôi đều hương khói đàng hoàng cho những nấm mồ vô chủ đỡ hiu quạnh…", ông Phúc cho hay.

"Vua hòa giải" trên đèo

Ông bà Phúc có 1 quán nước trên đỉnh đèo Voi. Cùng những việc làm trên, vợ chồng ông bà Phúc còn thành công trong công tác "hòa giải", can ngăn những vụ xô xát, đánh nhau do va chạm trên đèo. Có lần, một chiếc ôtô tông vào một tốp học sinh trên đường đi học về, làm 3 em chết và 2 em bị thương. Sợ quá, tài xế ôtô bỏ chạy, người nhà của mấy em cầm dao, rựa truy lùng và đòi lấy mạng tài xế để trả thù.

Cùng với công an, chính quyền, vợ chồng ông bà đã đến từng nhà khuyên giải đúng sai và ngăn được một vụ đổ máu xảy ra. Những người ăn xin, cơ nhỡ qua đây, không có tiền bạc, gia đình ông cũng cưu mang cho ăn ở trong nhà và đón xe "miễn phí" cho họ đi về nhà hoặc đi đến những nơi họ muốn.

Vợ chồng 20 năm làm việc nghĩa trên đỉnh đèo Voi - Ảnh 2.

Ngoài bán quán, ông Phúc còn chăn nuôi dê để tăng thêm thu nhập

Vừa qua, tâm sự với chúng tôi, chị Lưu Thùy Dương (con gái ông Phúc) đang sinh sống ở Bình Dương cho hay, từ năm 2015, khi đường hầm đèo Phú Gia và Phước Tượng (huyện Phú Lộc) đi vào hoạt động, lưu lượng xe qua đèo còn rất ít. Vì thế, ông bà Phúc đã vào sống với các con ở Bình Dương. Tuy cao tuổi nhưng ông bà vẫn khỏe mạnh, âu cũng là Chúa ban phước lành cho ông bà vì đã siêng làm việc nghĩa hơn 20 năm qua.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn