Vũ điệu của mẹ lúa

Vũ điệu dâng trời trước mái nhà làng truyền thống Cơ Tu

Vũ điệu dâng trời trước mái nhà làng truyền thống Cơ Tu

Trong nghệ thuật diễn xướng dân gian, người Cơ Tu có một điệu múa khá phổ biến dành cho phái nữ, đó là điệu Da dă- được thể hiện trong lễ hội mừng mùa, mừng nhà mới, săn được thú lớn hay các lễ hội của cộng đồng.

Đây là điệu múa thiêng, điệu múa cầu mùa với động tác cơ bản là đôi tay của người phụ nữ xòe lên trời cầu xin và đón nhận sinh khí và hạt lúa của thần linh.

Trước khi vào vũ hội, người phụ nữ mang một số lễ vật treo trên cây nêu. Buồng chuối và giỏ thóc treo trên cây nêu, làm lễ vật cúng mẹ lúa của người Cơ Tu.

Vũ điệu Da dắ là loại hình nghệ thuật diễn xướng gắn với đời sống tâm linh của cư dân nông nghiệp lúa rẫy. Khi kết thúc vụ mùa, hạt lúa đã vào kho, đồng bào tiến hành các nghi lễ để tạ ơn mẹ lúa và ăn mừng lúa mới (cha ha roo tamêê).

Sân làng phía trước nhà cộng đồng là không gian diễn xướng, vui hội. Cây nêu, cột lễ là tâm điểm rất linh thiêng để con người có thể giao tiếp, thông quan với thế giới thần linh. Trước khi nghi lễ và vũ hội diễn ra, đồng bào lấy một giỏ lúa giống, buồng chuối, cây mía, xâu bánh cuốt (bánh sừng trâu), dây thắt lưng của phụ nữ, chuỗi hạt cườm..treo trên cây nêu, cột lễ. Đây là món quà thanh khiết và quý giá để bà con dâng cúng, tạ ơn mẹ lúa đã cho mùa bội thu.

Sau khi tiếng trống, nhịp chiêng ngân lên "từng…từng", "tư… tư", "ting toàng…" tạo âm điệu hào hứng và lôi cuốn thì bao giờ người phụ nữ, con gái trong làng cũng bước ra trước sân để biểu diễn vũ điệu Da dắ. Khi phái nữ nhảy múa một vài vòng thì đến cánh đàn ông con trai cùng nhập vai Tân tung.

Nếu múa đông người thì vòng trong là nữ vòng ngoài là nam, thể hiện sự che chở của đàn ông với người đàn bà, con gái. Với tiết tấu âm nhạc từ nhịp chiêng theo điệu đhưng kết hợp với tiếng trống, khi thì bập bùng nhịp nhàng nẩy nhấn, khi lại linh hoạt, cuốn hút theo những bước nhảy sôi nổi.

Vũ điệu Da dắ trong Lễ hội mừng mùa của dân tộc Cơ Tu.

Mọi người đều múa trong một vòng tròn và bước đi ngược chiều kim đồng hồ với nhịp điệu sôi động, rộn rã của tiếng trống, chiêng, làm sống dậy núi rừng hoang vắng.

Điệu múa của phái nữ dân tộc Cơ Tu là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ tạo hình của bản làng. Họ sáng tạo nên hàng loạt bức tượng, phù điêu, những dải hoa văn trang trí làm đẹp cho ngôi nhà làng truyền thống (gươl) và đặc biệt trên nền vải thổ cẩm.

Trên váy áo phụ nữ, chiếc khố, tấm choàng của đàn ông, ta lại thấy nổi bật hẳn lên những đường nét tinh tế, ẩn chứa tình thương, sự lạc quan, yêu đời của người phụ nữ. Đôi tay họ bận bịu nương rẫy, chăm lo cuộc sống ấm no cho gia đình. Nhưng mỗi khi hội làng, đôi tay dịu dàng, bước chân nhịp nhàng, uyển chuyển làm nên vũ điệu hết sức độc đáo. Cho dù diễn xuất thăng hoa đến mấy, đôi chân vẫn bám đất như cuộc sống đời thường vẫn kết dính với rẫy nương, núi đồi, khe suối và đôi tay hướng lên đầu với nét tạo hình cân đối, hài hòa và lãng mạn với hình thế "hương đất dâng trời".

Hoa văn cô gái múa Da dắ trên trang phục của dân tộc Cơ Tu.

Trên chiếc khố của đàn ông Cơ Tu lại thường xuất hiện những hoa văn trang trí mang biểu tượng điệu múa Da Dắ của người phụ nữ. Phải chăng, chiếc khố là mặt phẳng tạo hình lý tưởng nhất, được xem như là một bức tranh di động, có thể nhìn ở đằng trước lẫn đằng sau khi người đàn ông mặc nó vào người. Có lẽ, ngoài yếu tố thẩm mỹ, người thợ dệt Cơ Tu muốn chuyển tải hình ảnh người phụ nữ thân thương (người bà, người mẹ, người vợ, chị em gái, con gái) lên bộ trang phục của người đàn ông.

Vũ điệu của mẹ lúa - Ảnh 4.

Tượng cô gái và chàng trai múa điệu Tân tung Da dắ

Vũ điệu Da dắ là một điệu múa cổ còn được bảo lưu đến này nay. Điệu múa có sức sống lâu bền, được nâng niu, gìn giữ và trao truyền cho thế hệ trẻ. Những bé gái được bà, mẹ dạy từng động tác để cùng tham gia vũ hội tại bản làng, trình diễn trong các cuộc liên hoan, giao lưu văn hóa nghệ thuật. Nó là biểu tượng của văn hóa Cơ Tu, trở thành chất liệu cho các nghệ sĩ ở bản làng sáng tác những bức tượng gỗ, phù điêu, tranh vẽ, đặc biệt là được người thợ dệt khắc họa khá đậm nét trên bộ trang phục truyền thống.

Năm 2014, điệu múa Da dắ của dân tộc Cơ Tu đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn