Chợ phiên Lũng Cú họp vào sáng thứ Sáu hàng tuần, dưới chân Cột cờ Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Động Văn, Hà Giang). Tập trung chủ yếu đồng bào người Mông, buôn bán với đa dạng đủ mặt hàng, từ gạo, phân bón đến cuốc xẻng, điện thoại, nồi niêu xoong chảo và cả dịch vụ cắt tóc. Cả người mua và người bán ai cũng rộn ràng, đon đả, những cô gái người Mông xúng xính trong những bộ váy sặc sỡ sắc màu.

Vượt biển mây thăm phiên chợ người Mông dưới chân Cột cờ Lũng Cú

Chợ phiên Lũng Cú họp vào sáng thứ Sáu hàng tuần, dưới chân Cột cờ Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang). Tập trung chủ yếu đồng bào người Mông, buôn bán với đa dạng đủ mặt hàng, từ gạo, phân bón đến cuốc xẻng, điện thoại, nồi niêu xoong chảo và cả dịch vụ cắt tóc. Cả người mua và người bán ai cũng rộn ràng, đon đả, những cô gái Mông xúng xính trong những bộ váy sặc sỡ sắc màu.

Dậy từ sớm, trong cái lạnh se se của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, tôi và cậu em trai nhanh chóng khởi hành từ Thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn) về hướng điểm cực Bắc. 

Đường đèo quanh co khúc khuỷu, địa hình hiểm trở, sương mù lúc hơn 7 giờ sáng vẫn còn dày đặc. Nhiều lúc giữa lưng chừng đèo thấy phía trên đỉnh núi bị mây trắng bao phủ, chúng tôi cứ nghĩ rằng ở nơi đấy cao lắm. Nhưng rồi chầm chậm đi thêm vài chục phút, lại được tận hưởng cảm giác đi trong mây, hóa ra chúng cũng chỉ là hơi nước ngưng tụ thành mây ở nơi rất cao.

Phiên chợ người Mông dưới chân Cột cờ Lũng Cú.

Một cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ và hùng vỹ, ít tiếng người, ít luôn cả tiếng xe cộ. Chỉ có những tiếng chim tự do, tiếng hót ngân vang vọng vào những vách núi đá xám xịt xanh lè có niên đại từ kỷ Cambrian cách đây hơn nửa tỷ năm về trước. Nhìn những khối đá thâm trầm ấy, chẳng ai có thể ngờ được rằng nó đã chứng kiến 2 trong số 5 sự kiện lớn trong lịch sử sinh giới của Trái Đất. Khiến cho hơn 19% số họ và 50% giống cổ sinh bị tuyệt diệt, làm tuyệt diệt khoảng 90% số giống và loài sinh vật biển.

Con người suy cho cùng chỉ là giống loài nhỏ bé so với sự vĩ đại và kỳ vĩ của thiên nhiên. Một nơi từng là đại dương, giờ đây đã trở thành non cao, là nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 17 tộc người anh em, trong đó đồng bào người Mông chiếm tới 33%, tộc đông người nhất vùng đất này.

Suy nghĩ viển vông quá, con đường vào trung tâm xã Lũng Cú đã hiện ra từ lúc nào, biển mây cũng đã lùi lại phía sau. Trên con đường bê tông thẳng tắp dài cả cây số, rộng hàng chục mét, chúng tôi đã thấy bóng đáng của chợ phiên Lũng Cú. Tôi phải ngỡ ngàng, vùng đất này đổi thay nhanh quá, cách đây chừng 2 năm vẫn là con đường đất đang được thi công mở rộng, đường vào Cột cờ Lũng Cú còn khó khăn, lầy lội.

Vượt biển mây thăm phiên chợ người Mông dưới chân Cột cờ Lũng Cú - Ảnh 2.

Đường dẫn vào chợ phiên Lũng Cú và Cột cờ Lũng Cú.

Hai hàng xe ô tô tải chở hàng hóa kéo dài cả trăm mét đang tấp nập người mua người bán. Lần đầu tiên được tham dự một chợ phiên vùng cao, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự sôi động này. Không chỉ các loại nhu yếu phẩm, vật dụng sinh hoạt hàng ngày, mà điện thoại cũng được bày bán ngay trên một tấm ván ép.

Chuẩn bị cho phiên chợ lớn này, những người bán hàng từ nhiều vùng, xã, huyện khác nhau trên cao nguyên đá đã đến đây họp từ 4 - 5 giờ sáng. Thời gian bày biện hàng hóa, căng bạt, dựng ô cũng vừa đủ để bà con nhân dân từ các thôn xóm của xã Lũng Cú về hội họp. 

Vốn là một vùng biên viễn, có đường biên giới dài khoảng 16km tiếp giáp với Trung Quốc, người dân nơi đây thường khó khăn trong việc tiếp cận với các loại hàng hóa, vật dụng sinh hoạt hàng ngày, cùng với các loại giống má, phân bón, công cụ lao động để sản xuất nông nghiệp.

Vượt biển mây thăm phiên chợ người Mông dưới chân Cột cờ Lũng Cú - Ảnh 3.

Toàn cảnh chợ phiên Lũng Cú họp vào sáng thứ Sáu hàng tuần.

Vượt biển mây thăm phiên chợ người Mông dưới chân Cột cờ Lũng Cú - Ảnh 5.

Những phiên chợ như thế này rất cần thiết với bà con nơi đây- nơi họ có thể trao đổi con gà, con vịt, con chó, con lợn, sản phẩm dệt thủ công, rượu ngô, hoặc dùng tiền để mua những thứ họ cần. Có người nhà gần thì cuốc bộ, trên lưng không thể thiếu được chiếc gùi (quẩy tấu, lù cở), một vật dụng gần gũi gắn bó mật thiết như hình với bóng của người phụ nữ Mông.

Ở một góc chợ, tôi vô tình nhìn thấy một người phụ nữ trẻ vừa bán mía cho khách vừa địu con trên lưng, mồ hôi của chị túa ra trong nắng nóng oi nồng. Đến lúc này tôi mới thấm những câu thơ: "Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi/Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối/Lưng đưa nôi và tim hát thành lời" của cố nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Vượt biển mây thăm phiên chợ người Mông dưới chân Cột cờ Lũng Cú - Ảnh 6.

Vượt biển mây thăm phiên chợ người Mông dưới chân Cột cờ Lũng Cú - Ảnh 7.

Vượt biển mây thăm phiên chợ người Mông dưới chân Cột cờ Lũng Cú - Ảnh 8.

Có đứa trẻ lớn hơn theo mẹ đi chợ, chơi chán thì ngồi nghịch móng tay, hay nằm lăn lê bò toài trên một miếng bạt. Đang mải để ý đứa bé thì một nhóm các cô gái Mông váy óng ánh kim tuyến màu xanh ngọc dạo bước qua nhịp nhàng. Trái tim của người lữ khách như vội đập thêm một nhịp, để kịp khắc ghi một nụ cười duyên dáng, đôi môi đỏ, gò má hồng hào.

Vượt biển mây thăm phiên chợ người Mông dưới chân Cột cờ Lũng Cú - Ảnh 9.

Lắng nghe bằng cả tâm hồn những giai điệu cuộc sống ấy, chúng tôi mới thấy được rằng, chợ không chỉ thuần túy hoạt động mua và bán. Mà nơi đây còn là không gian của văn hóa, một thế giới tinh thần sống động với những quan niệm về vẻ đẹp, giá trị của gia đình, những trang phục sắc màu... cùng với vô vàn những nét đặc sắc khác khó có thể đặt tên, định nghĩa.

Tất cả những điều đó tạo nên bản sắc rất riêng của đồng bào vùng cao, và khi soi chiếu sâu hơn nữa, chúng ta sẽ bắt gặp tâm hồn Việt Nam. Trong truyền thuyết dân gian của các dân tộc, tuy hình thức diễn giải có sự khác nhau, nhưng đều chung một tinh thần cùng một nguồn cội. Sự thống nhất trong tư tưởng bản thể ấy đã tạo nên sức mạnh, sự đồng lòng dựng nước, giữ nước trong suốt 4.000 năm qua.

Vượt biển mây thăm phiên chợ người Mông dưới chân Cột cờ Lũng Cú - Ảnh 10.

Chia tay phiên chợ phiên đặc biệt ấy khi trời đã đứng bóng, chúng tôi mang theo những hình tươi đẹp của vùng đất và những con người nơi đây về xuôi...

Thực hiện: Trường Hùng