Xa rồi bờ giậu bờ rào

06/11/2021 10:33
Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

Chẳng cần đi đâu xa, chỉ tha thẩn quanh bờ rào, mấy đứa nhóc nhà quê tinh quái đã nghĩ ra đủ trò để giải khuây. Tuy chẳng có quần áo đẹp và đồ chơi đắt tiền nhưng những ngày tháng thơ ấu ấy giàu có biết bao!

Giờ về làng thấy đâu đâu cũng nhà cao cửa rộng, đẹp đẽ, đàng hoàng chẳng khác gì phố thị. Còn đâu những ngôi nhà nhỏ sau tán cây, mùa hè ngói bạc phếch, mùa mưa thì lên đầy rêu. Tôi thương cái nền gạch bát đỏ hồng, đi mát rượi cả chân. Bà tôi vẫn kể chuyện ngày xửa, ngày xưa ông bà phải vất vả thế nào mới xây được mấy gian nhà gạch tử tế để con cái có chỗ che mưa, che nắng.

Mùa hè, đi đâu ngoài nắng về, múc ngay gàu nước giếng lên rửa mặt là bao mệt mỏi cũng tiêu tan hết. Nước mát rượi, lại còn trong vắt! Thuở nhỏ, tôi vẫn lén lúc bà không để ý để cúi xuống giếng, nhìn cái đáy sâu hoăm hoắm. Lè lưỡi trêu con ếch già, nhỡ sa chân vào đó từ độ lụt to.

Nhưng thương nhớ nhất, có lẽ là cái bờ rào bờ giậu bằng cây mây, hay hàng chè mạn. Hiếm hoi lắm mới có nhà trồng râm bụt ở hàng rào. Ra Tết một tẹo, khoảng độ tháng ba, hoa nở đỏ từ ngoài ngõ vào đến gần trong sân, trẻ con đi chơi qua nhà ấy, kiểu gì cũng phải ngó vào một cái.

Xa rồi bờ giậu bờ rào - Ảnh 1.

Minh họa: Huyền Trang

Ở quê tôi, nhiều nhất vẫn là hàng rào bằng cây mây. Nhìn thấy thân cây chi chít gai ấy, người lớn sợ không dám tắt mắt đã đành, trẻ con cũng ngán, chẳng dám chui rào đi chơi. Được cái, thời ấy có bị nhốt ở nhà cũng có khối trò để nghịch, mà nơi thú vị nhất, lại chính là… ngoài bờ rào.

Nhà tôi gần ao, nên chỉ cần ngồi ngoài bờ rào là cũng có thể xem các chú, các anh câu cá. Thấy tôi ở nhà một mình tội nên mấy anh lớn còn bắt cho vài con cua, bỏ vào cái lọ nhựa, tuồn qua cái lỗ hổng to tướng ở bờ rào mà con chó Vện lén đào để ra ngoài chơi. Nhìn mấy con cua bò vòng vòng trong cái lọ bé bé cũng tội nghiệp, nên chơi được một lúc, tôi lại bảo mấy anh thả chúng ta.

Cứ thế, tôi nhìn qua mấy khoảng trống trên rào, xem các anh câu cá. Thích nhất là lúc con cá chuối cắn câu. Mình nó đen bóng, cái thân tròn lẳn cứ thế quẫy khắp bốn phía, đến khi cho vào giỏ, vẫn còn nghe tiếng sột soạt.

Chơi ngoài bờ rào, thỉnh thoảng tôi lại bày trò trêu bọn nhái bén, hay chẫu chàng. Chắc chúng ở ngoài bờ ao mãi cũng thấy chán, thỉnh thoảng sang bờ rào nhà tôi chơi một tí. Nhái bén có "áo" cam nổi rần rần, nhưng thân mình thì dẹp lép, đã thế lại còn nhát hơn cáy. Vừa mới nghe thấy tiếng động là ù té mà bật tanh tách đi tận đẩu tận đâu.

Bị bố mẹ nhốt ở nhà, nhưng ngó sang hàng xóm có thằng Hưng cũng cùng chung cảnh ngộ thì không phải buồn nữa rồi. Qua hàng rào thưa, hai chúng tôi vẫn ríu rít với nhau đủ thứ chuyện. Chia nhau cái bánh, hay cái kẹo, khéo léo đưa tay qua lỗ hổng là được. Thỉnh thoảng, hậu đậu chúng tôi cũng bị gai mây cào xước tay. Nhưng quý nhất là mấy quyển truyện cũ mèm, giấy đã ngả vàng, anh thằng Hưng mang từ Hà Nội về.

Xa rồi bờ giậu bờ rào - Ảnh 2.

Qua hàng rào thưa, hai chúng tôi vẫn ríu rít với nhau đủ thứ chuyện. Hình minh họa

Bình thường, tôi hay qua nhà nó đọc ké, nhưng mấy hôm tôi bị nhốt ở trong nhà, chắc nghe tôi năn nỉ nhiều cũng phiền, nên thằng bạn đành cho mượn. Qua hàng rào, tôi còn nhìn đàn chó con nhà Hưng nô đùa trong sân, đám chó lông vàng, béo múp ma múp míp. Thấy tôi thích quá, Hưng còn bế con chó con ra tận hàng rào, cho tôi với tay qua sờ nó một tí.

Ở quê, tuy "vườn rộng rào thưa" nhưng ngặt nỗi "gần nhà xa ngõ", nên người lớn xin nhau thứ gì cũng ngại chạy qua nhà, thế là đều đưa qua hàng rào cho tiện. Từ mấy lá rau thơm bỏ vô nồi canh chua, đến quả chanh, quả ớt để pha nước mắm… Ngày Tết, ngay cả quả bưởi đặt trên bàn thờ cũng được đưa qua hàng rào.

Nói đến chuyện cây trái mới nhớ, cây xoài nhà bà thằng Hưng có mấy cành to xòa sang vườn nhà tôi. Từ hồi quả xoài mới bé bằng ngón chân cái, tôi đã nhăm nhe xin bà nó rồi. Bà chẳng nói gì, chỉ thủng thẳng gật đầu. Nghe thấy thế, thằng Hưng nhanh nhảu xin mẹ tôi hái mấy quả dâu tằm đang nằm ở vườn nhà nó. Chợt hai đứa nhìn nhau bật cười khúc khích.

Giờ về quê nhà nào cũng xây tường gạch, muốn xin nhau trái ớt hay quả chanh đều phải chạy sang tận nhà. Đứng ở bên sân nhà mình, chẳng còn nghe thấy thằng Hưng cười giòn. Nó đi xuất khẩu lao động, đã hơn bốn năm chưa về thăm nhà. Năm nay dịch bệnh thế này, không biết có về được không?... Ngày bé chỉ cách nhau có một bờ rào, lớn lên là cách cả vạn cây số vậy đó!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.