Xòe Thái: Bài ca về bình đẳng và vai trò của phụ nữ

22/01/2023 09:06
Xòe Thái có nhiều điệu nhưng tựu trung đều bắt nguồn từ 6 điệu xòe cổ. Trong đó, điệu "xòe vòng" - nắm tay cùng xòe - là điệu xòe cổ nhất và cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái, được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai.

Xòe Thái có nhiều điệu nhưng tựu trung đều bắt nguồn từ 6 điệu xòe cổ. Trong đó, điệu "xòe vòng" - nắm tay cùng xòe - là điệu xòe cổ nhất và cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái, được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai.

Mường Lò là vùng đất nổi tiếng với những điệu xòe Thái - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Con đường đưa xòe Thái thành Di sản có vai trò lớn của những người phụ nữ, chủ thể chính lưu truyền vũ điệu mang tính biểu tượng của tình đoàn kết các dân tộc vùng Tây Bắc.

Mỗi bước xòe, con người gần gũi với nhau hơn

Ngày còn nhỏ, tôi thường theo các bà, các mẹ và anh chị trong bản đi xem múa xòe, học múa xòe và yêu xòe từ đó. Sau này lớn lên, tôi tham gia đội văn nghệ, thường xuyên đi múa xòe", nghệ nhân Điêu Thị Xiêng (ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) cho biết. Đồng bào người Thái quan niệm "không xòe không vui, không xòe lúa không tốt, không xòe trai gái không thành đôi". Trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Thái, múa xòe là một "đặc sản" văn hóa, là sân chơi cho người dân sau những ngày lao động vất vả, là "món ăn" tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc Thái Tây Bắc. 

Người Thái Tây Bắc không chỉ múa xòe trong những dịp lễ, Tết mà trong cả những lễ hội của bản làng như Xên bản, Xên mường (lễ cúng bản, cúng mường), trong những ngày vui của dòng họ, gia đình, như: Lễ mừng cơm mới, mừng nhà mới, trong đám cưới hỏi...

Xòe Thái: Bài ca về bình đẳng và vai trò của phụ nữ - Ảnh 1.

Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng (thứ 3 từ trái sang) đang truyền dạy múa xòe cho bà con Ảnh: Nhật Thanh

Xòe Thái có nhiều điệu nhưng tựu trung đều bắt nguồn từ 6 điệu xòe cổ. Trong đó, điệu "xòe vòng" - nắm tay cùng xòe - là điệu xòe cổ nhất và cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái, được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai. Điệu xòe này biểu hiện sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Mỗi khi trong gia đình, cộng đồng có niềm vui, mọi người cùng nắm tay nhau nhảy múa thành vòng tròn quanh đống lửa. Điệu xòe vòng không giới hạn số lượng người tham gia, không phân biệt độ tuổi, nam, nữ, chủ khách, mọi người tay trong tay tưng bừng trong điệu xòe.

Điệu "Khắm khăn mới lảu" (nâng khăn mời rượu) thể hiện tình cảm quý mến khách. Điệu "Phá xí" (xòe bổ bốn) thể hiện tình đoàn kết keo sơn và mang ý nghĩa dù đi xa bốn phương trời, ở đâu cũng vẫn tìm đến nhau, vẫn giúp đỡ nhau. Điệu xòe "Đổn hôn" (tiến lùi) ẩn chứa quan niệm sâu xa về cuộc sống, khi lùi không buồn phiền, thoái chí, khi tiến cũng không lạc quan thái quá. 

Xòe Thái: Bài ca về bình đẳng và vai trò của phụ nữ - Ảnh 2.

Mỗi bước xòe, con người gần gũi với nhau hơn

Điệu xòe "Nhuôm khăn" (tung khăn) tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của người con gái Thái trong việc tạo ra những chiếc khăn thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Điệu xòe "Ỏm lọp tốp mư" (vòng tròn vỗ tay) thể hiện khát vọng cộng đồng cùng chung tay xây dựng bản mường ngày càng giàu mạnh, cùng nhau chinh phục thiên nhiên và chống lại kẻ thù…

Là người con dân tộc Thái, thấy điệu xòe của người Thái được thế giới biết đến và công nhận là Di sản, tôi mừng lắm. Là nghệ nhân thường xuyên truyền dạy múa xòe cho thế hệ trẻ, tôi càng phấn khởi hơn vì người trẻ yêu múa xòe thì xòe sẽ được sống mãi trong cộng đồng, không lo bị mai một nữa”.

Nghệ nhân ưu tú Điêu Thị Xiêng

Theo nghệ nhân Điêu Thị Xiêng, ý nghĩa nhân văn của các điệu xòe cổ được phát triển đến hôm nay đó là qua mỗi bước xòe, con người gần gũi chan hòa với nhau hơn, yêu người, yêu đời hơn… Qua những điệu xòe cổ, người ta còn thấy được cuộc sống của xã hội người Thái từ thuở sơ khai, cũng như sự nhận thức về nhân sinh quan và thế giới quan. "Những điệu xòe đều do cha ông, các bà các mẹ để lại, đó là tài sản quý của người Thái. Vì vậy, xòe đã trở thành một phần cuộc sống, như cơm ăn, nước uống hằng ngày của đồng bào Thái vùng Tây Bắc", nghệ nhân Điêu Thị Xiêng nói.

Để vòng xoè liên tục nối tiếp

Không chỉ là người yêu xòe, múa xòe, nghệ nhân Điêu Thị Xiêng còn sưu tầm, sáng tác bài khắp, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đất nước, công việc lao động sản xuất, xây dựng thôn bản văn hóa… Hiện trong sổ tay của nghệ nhân Điêu Thị Xiêng đã có hàng trăm bài khắp, trong đó có những bài hát cổ bà thuộc lời chép lại, cũng có nhiều bài được bà sáng tác. Bà thường xuyên vận động phụ nữ tích cực tham gia học tập các làn điệu dân ca, dân vũ như "Hăn nê", "Nả lảu" (hát xướng đông người), hát ru, hát "xên" (hát cúng)... 

Xòe Thái: Bài ca về bình đẳng và vai trò của phụ nữ - Ảnh 4.

Người Thái Tây Bắc không chỉ múa xòe trong những dịp lễ, Tết mà trong cả những lễ hội của bản làng như Xên bản, Xên mường...

Các làn điệu dân ca Thái đều mang tính răn dạy con cháu làm điều hay, lẽ phải, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương, đất nước. Trong số các bài khắp do bà sáng tác, có nhiều bài thường xuyên được trình diễn trong các cuộc vui như: "Mừng năm mới", "Nậm Đông đổi mới", "Nhớ ơn Đảng", "Nhớ ơn Bác Hồ", "Bà con dân bản đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới"…

Cùng với múa xòe, nghệ nhân Điêu Thị Xiêng đã mở nhiều lớp truyền dạy dân ca Thái cho con em dân tộc mình ở các bản, làng Nghĩa Lộ. "Tháng trước tôi vừa đến dạy cho thầy trò trường Mầm non Hoa Phượng, rồi dạy ở một số trường tiểu học, trung học cơ sở, thầy cô và học sinh đều rất thích", nghệ nhân Điêu Thị Xiêng vui vẻ nói. Bà và các nghệ nhân truyền dạy cho người trẻ để điệu xòe không bị mai một, để văn hóa dân tộc được gìn giữ. 

Xòe Thái: Bài ca về bình đẳng và vai trò của phụ nữ - Ảnh 5.

Con đường đưa xòe Thái thành Di sản có vai trò lớn của những người phụ nữ, chủ thể chính lưu truyền vũ điệu mang tính biểu tượng của tình đoàn kết các dân tộc vùng Tây Bắc.

Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều người thích học xòe, hiểu ý nghĩa của từng điệu xòe. Tiếng hát dân ca Thái cũng từ đó mà vang mãi qua nhiều thế hệ. Đến nay, đội dân ca của xã Nghĩa An đã thu hút được nhiều người dân từ bản Đêu, bản Vệ, Nà Vặng, Nậm Đông tham gia học hát dân ca.

Trả lời câu hỏi bà sẽ làm gì để tiếp tục gìn giữ xòe Thái - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, nghệ nhân Điêu Thị Xiêng cười nói: "Khi nào tôi còn đi được, còn nói được thì tôi sẽ tiếp tục công việc truyền dạy các điệu xòe, điệu khắp và văn hóa của dân tộc mình tới lớp trẻ, để người trẻ tự hào, có ý thức bảo vệ, gìn giữ văn hóa dân tộc mình, để vòng xòe, điệu xòe của người Thái sẽ liên tục nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ sau".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn