Xuân ấm tình người ở biên giới Hà Giang

28/02/2023 08:15
Thiếu tá Đỗ Ngọc Mỹ và đoàn thiện nguyện Hà Nội thăm gia đình anh Sùng Mí Lúa

Thiếu tá Đỗ Ngọc Mỹ và đoàn thiện nguyện Hà Nội thăm gia đình anh Sùng Mí Lúa

Trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên ở biên giới Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang) luôn có hình bóng các chiến sỹ biên phòng chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn với người dân, cùng chính quyền địa phương từng ngày giúp bà con vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Cái nghèo đeo đẳng vì đẻ nhiều con

Con đường lên Chốt biên phòng 411 ở sát đường biên xã Má Lé gồ ghề đá và uốn lượn với những đèo dốc, có con dốc gần như dựng đứng. 

Thiếu tá Đỗ Ngọc Mỹ, nhân viên trinh sát Đồn Biên phòng Lũng Cú, bảo: "Vui, buồn bà con cũng tìm bộ đội chia sẻ, bà con đau bụng, cảm sốt cũng gọi bộ đội biên phòng, vợ chồng cãi nhau cũng cần bộ đội đến hoà giải không kể là nửa đêm hay gà gáy canh ba, không kể trời mưa rét, mà nhà có việc là họ tìm chúng tôi. Tình quân dân vì vậy gắn bó, chỉ thương bà con biên giới còn quá khó khăn".

Xuân ấm tình người ở biên giới Hà Giang - Ảnh 1.

Cuộc sống của bà con ở biên giới còn nhiều khó khăn

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Sùng Mí Lúa. Căn nhà được che chắn xung quanh bằng tấm bạt tạm, là nơi vợ chồng anh và 4 đứa con nhỏ ở suốt 5 năm qua. Chính quyền thôn, xã và Đồn biên phòng đang xin hỗ trợ căn nhà tình thương cho vợ chồng anh.

Anh Lúa xây dựng gia đình, được bố mẹ vợ cho ra ở riêng với mảnh đất sau nhà, những mong vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, rồi tích góp dựng căn nhà nhỏ để ở cho yên ấm. Thế nhưng 5 năm hôn nhân, vợ chồng anh Lúa cứ sòn sòn đẻ 4 đứa con. Anh Lúa đi làm nương rẫy không đủ nuôi cả nhà, còn vợ anh chỉ ở nhà trông chừng đàn con cũng bận tối mặt. Vì vậy, ở riêng 5 năm nhưng vợ chồng anh Lúa đến nay vẫn chui ra vào căn lều bạt che tạm. Những ngày mưa to gió lớn, vợ chồng, con cái lại dắt nhau sang nhà ngoại trú nhờ.

Xuân ấm tình người ở biên giới Hà Giang - Ảnh 2.

Mẹ, vợ và các con của anh Sùng Mí Lúa chỉ lo trời đổ mưa to có thể làm nhà bạt đổ sập

Cám cảnh hơn là gia đình ông Lù Chá Sùng. Căn nhà trống hoác, chơ vơ giữa lưng chừng núi như càng heo hút thêm bởi những cơn gió lạnh cuối Xuân. Vợ ông Sùng nhìn già hơn người chồng rất nhiều, chỉ biết cười mà không biết nói tiếng Kinh. 2 con nhỏ đi học, vợ chồng ông Sùng ở nhà chăm sóc mẹ già ốm yếu và 1 người em khuyết tật. Người vợ nay ốm, mai đau, lại luôn phải để mắt đến người em khuyết tật nên gánh nặng gia đình khiến ông Sùng không thể đi làm thuê ở xa, số tiền ít ỏi tiết kiệm không đủ thuốc thang cho mẹ già, cho người em tàn tật. 

"Nhiều năm rồi, nhà tôi chỉ mong đủ ăn để các con yên tâm đi học, người ở nhà bị đau ốm cũng đỡ đói khát nhưng mãi không thể hết nghèo khó", ông Sùng buồn rầu chia sẻ.

Mẹ đi lấy chồng bỏ lại 4 đứa con nhỏ mồ côi

Bức tường đá vững chãi bao quanh căn nhà của 4 anh em mồ côi Vừ Mí Lía (19 tuổi) như càng lạnh lẽo hơn bởi căn nhà cũ trống huơ trống hoác.

Năm 2015, gia đình Lía mới dựng được căn nhà chắc chắn thì bố của 4 anh em đột ngột qua đời. Hơn 2 năm sau, mẹ đi lấy chồng, bỏ lại 4 anh em Lía côi cút nuôi nhau. Lía khi ấy 13 tuổi, đang học cấp 2 phải bỏ học để vỗ về đứa em nhỏ nhất mới 1 tuổi. Lía chăm chỉ lên nương rẫy trồng cấy, gánh vác trọng trách nuôi các em thay cha mẹ. Bữa đói, bữa no của 4 anh em Lía từ đó đến nay luôn có sự giúp đỡ, cưu mang từng manh áo, bát cơm, mớ rau của hàng xóm và bộ đội biên phòng. Ngày qua ngày, tinh thần anh cả Lía vững vàng hơn, động viên các em Vừ Mí Và (16 tuổi), Vừ Thị Chở (8 tuổi) và Vừ Mí Mua (7 tuổi) ngoan ngoãn đi học để có con chữ, Lía hy vọng tương lai các em sẽ có việc làm ổn định, có cuộc sống tốt hơn.

Xuân ấm tình người ở biên giới Hà Giang - Ảnh 3.

4 anh em Vừ Mí Lía côi cút nuôi nhau và luôn được bà con dân bản, cán bộ biên phòng giúp đỡ

Ánh mắt buồn man mác, Lía bảo: "4 anh em đều rất nhớ mẹ nhưng mỗi năm mẹ với về thăm anh em Lía một lần. Em muốn đi làm thuê để có tiền nuôi các em nhưng các em còn nhỏ quá, em phải ở nhà cho các em yên tâm đi học". Nhận được món quà nhỏ là thùng mì tôm, túi gạo, dầu ăn và một số vật dụng thiết thực, 4 anh em Lía đứng bên chiếc cổng gỗ cũ rưng rưng, vẫy tay cảm ơn đoàn thiện nguyện Hà Nội và bộ đội biên phòng.

Nỗ lực từng bước thay đổi đời sống người dân

Ông Lù Mí Lúa, Bí thư Chi bộ thôn Má Lầu B, trầm ngâm: Đời sống của người dân ở thôn Má Lầu B hiện vẫn vô cùng khó khăn. Nhận thức của bà con còn hạn chế nên không thể đi xa làm thuê, hoặc có đi làm cũng chỉ được trả mức lương thấp do không biết tiếng phổ thông.

Theo Bí thư Chi bộ thôn Má Lầu B, cả thôn có 77 hộ dân thì chỉ có 17 hộ là đủ ăn. Còn lại, tất cả đều là hộ nghèo và cận nghèo của thôn. Bất cứ chương trình gì cần vận động sự đóng góp về tiền của của bà con đều khó thành công. Bởi cái ăn, cái mặc của người dân còn chưa đủ, nên chuyện góp tiền mua điện năng lượng mặt trời hay cần những cột điện thắp sáng vùng biên như ở nhiều địa bàn khác vẫn đang là thách thức với nơi này.

Xuân ấm tình người ở biên giới Hà Giang - Ảnh 4.

Thôn Má Lầu B có 77 hộ dân thì chỉ có 17 hộ là đủ ăn.

Ông Lù Mí Lúa xót xa: "Người dân cũng chịu khó trồng gừng, trồng rau cải, đến kỳ thu hoạch củ cải rất tốt, rất to… nhưng do đường xá xa xôi, khó khăn, nên bà con đều gặp khó khi vận chuyển hàng nông sản đến nơi tiêu thụ".

Đồng hành và sẻ chia với khó khăn của người dân vùng biên do Đồn quản lý, Thiếu tá Nguyễn Xuân Hưng, Chính trị viên Đồn biên phòng Lũng Cú, cho biết: Điều kiện sống nói chung của người dân vùng biên tại 2 xã Má Lé và Lũng Cú (2 địa phương do Đồn quản lý) vẫn còn nhiều khó khăn. Những năm qua, cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú đã triển khai thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng với nhiều hoạt động thiết thực, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người dân địa phương, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận. Tinh thần của nhân dân trên địa bàn biên giới đã từng bước được cải thiện, hệ thống điện, đường xá, trường học, y tế... đã được xây dựng cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Nhờ đó, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững, ổn định. 

Xuân ấm tình người ở biên giới Hà Giang - Ảnh 5.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Cú hướng dẫn người dân trồng gừng củ cho năng suất cao

"Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Lũng Cú đã tổ chức triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua "BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới", "BĐBP chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồn cử 2 cán bộ tăng cường xuống xã được bầu giữ chức danh Phó Bí thư, giới thiệu 18 đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn; phân công 27 đảng viên phụ trách 124 hộ gia đình trên địa bàn để giúp các hộ từng bước cải thiện cuộc sống", Thiếu tá Nguyễn Xuân Hưng chia sẻ.  

Chính trị viên Đồn biên phòng Lũng Cú nhấn mạnh: "Bên cạnh nhiệm vụ giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị, nhiệm vụ giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững được Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Lũng Cú xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Để giúp người dân xóa đói giảm nghèo, đơn vị đã xây dựng các mô hình kinh tế, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm xây dựng nhà tình nghĩa, tặng cây trồng, con giống cho bà con nhân dân... Trong đó, mô hình Bò luân chuyển sinh sản, nuôi lợn, trồng lê, gừng,... đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Hy vọng một ngày không xa, vùng biên giới nơi địa đầu Tổ quốc sẽ ngày càng phát triển, người dân yên tâm định cư sản xuất, tích cực cùng bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia!".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.