Xúc động hành trình “đi tìm lời ru” của những phụ nữ dân tộc (bài cuối)

10/07/2023 14:31
Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

Hiện nay, việc ru con bằng tiếng mẹ đẻ ít được quan tâm, thậm chí còn ít người nhớ và biết ru khiến làn điệu và các bài hát ru ngày càng bị mai một và mất đi…

Mạng lưới Tiên Phong là nhóm thuộc các dân tộc thiểu số Việt Nam được thành lập năm 2015. Đến nay nhóm đã có hơn 17 dân tộc trên 20 tỉnh thành khác nhau tham gia.

Từ thực tế này, thành viên ở các nhóm dân tộc thuộc Mạng lưới Tiên phong đã đi sưu tầm, thu thập lời ru và lan tỏa ý nghĩa tại chính cộng đồng của mình. 

Toạ đàm "Ký ức ru êm" do mạng lưới Tiên Phong tổ chức mới đây đã ôn lại những triết lý từ cộng đồng. Từ đó thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy ngôn ngữ mẹ đẻ, bản sắc văn hóa dân tộc thông qua ký ức.

Sợi dây kết nối đầu tiên đối với văn hoá

Lời ru không chỉ là một loại hình nghệ thuật dân gian, mà ru con còn là cách giáo dục vô thức cho trẻ sơ sinh khi mới chào đời,… Đó là sợi dây kết nối đầu tiên đối với văn hóa của chính mình (trẻ sơ sinh).

Là người dân tộc Tày, đến từ xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, chị Sáo tâm sự, từ lúc còn nhỏ, chị được mẹ dắt đi xem văn nghệ. Trong ký ức non nớt của chị hồi đó in đậm hình ảnh các ông các bà hát về câu chuyện tình yêu của đôi trai gái từ lúc yêu nhau đến khi về chung một mái nhà. Người chồng lên rừng, vợ ở nhà hát ru con. Ấn tượng đó sâu đậm đến giờ khi 29 tuổi chị dường như vẫn nhớ như in.

Hiện tại, bà Phạm Thị Sơn, dân tộc Mường ở Bá Thước, Thanh Hóa chỉ còn nhớ một hai câu trong bài hát ru "Nàng Ờm" của dân tộc mình. Dù bà đã thấm nhuần câu chuyện trong lời ru này bởi bao thế hệ người dân tộc Mường, từ bà đến mẹ của bà đều từng dùng nó để hát ru con… Mỗi bài hát ru của người dân tộc Mường đều có nội dung sâu sắc, mang ý nghĩa giáo dục cao… Từ khi chào đời, tâm hồn trẻ thơ của những đứa trẻ đã thấm đẫm trong lời ru của bà, của mẹ, của anh chị…

Bà Phạm Thị Sơn lấy chồng ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa), vì ở Cẩm Thủy những bài hát ru bị mai một nhiều nên để tìm lại những bài hát ru cổ, bà về lại Bá Thước. Bà đến gặp các cụ bà cao tuổi tìm hiểu và ghi lại những lời bài hát ru cổ. Có những cụ bà đã 80 tuổi, không còn nhớ trọn vẹn một bài hát nhưng dù chỉ là đôi ba câu, bà Sơn cũng ghi lại cặn kẽ.

Xúc động hành trình “đi tìm lời ru” của những phụ nữ dân tộc (Bài 2) - Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Sơn, dân tộc Mường - Ảnh: Xuân Phương

"Tôi cảm thấy không uổng công vì sau khi tìm được lời bài hát ru, chúng tôi đã tổ chức tọa đàm, mời UBND thị trấn Phong Sơn, hiệu trưởng các trường phổ thông trên địa bàn, 7-8 nghệ nhân từ Bá Thước đến chia sẻ câu chuyện về lời ru"- bà Phạm Thị Sơn cho biết.

Hát ru Mường là tấm gương phản ánh nhận thức của người Mường về tự nhiên xã hội, lịch sử hình thành và phát triển của loài người và cộng đồng Mường, ôn lại truyền thống lịch sử và những mỹ tục của tộc người. Đây còn là hình thức diễn xướng của cộng đồng người Mường trong cuộc sống,

Hát ru dân tộc Mường luôn gắn bó và trở thành nhu cầu trong đời sống tinh thần của dân tộc Mường, góp phần xây dựng phẩm cách, lòng nhân hậu và đạo lý làm người trong cộng đồng.

Sau tọa đàm, 1 hiệu trưởng hơn 40 tuổi chia sẻ đã hiểu được hát ru thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc, có tính giáo dục cao nhằm truyền dạy cho con cháu về đạo lý, lẽ phải, về đối nhân xử thế, là tình thương yêu vô bờ không chỉ đối với trẻ thơ mà là sự thương yêu ở mỗi con người và cả cộng đồng. 

Vị hiệu trưởng này nói: "Phải đưa việc dạy những bài hát ru cổ bằng tiếng dân tộc vào nhà trường trong các giờ học ngoại khóa để học sinh hiểu và cảm nhận được lời ru của bà, của mẹ và hiểu được hát ru Mường hàm chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tộc người. Bài hát ru rất cần được nghiên cứu, sưu tầm, phát huy để những giá trị nhân văn cao quý, góp phần nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của mỗi người nói chung, thế hệ trẻ nói riêng".

Điều đáng mừng là hiện tại, tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã lan tỏa đến tất cả thị trấn Phong Sơn, người dân tộc Mường không còn ngại ngần khi diện trang phục của dân tộc mình, lời bài hát ru cũng được lan tỏa tới mọi người... - bà Phạm Thị Sơn phấn khởi chia sẻ.

Bảo vệ bản sắc dân tộc 

Chia sẻ ý nghĩa của lời ru của dân tộc Tày, Nghệ nhân Nguyễn Thị Điềm đến từ Thái Nguyên bộc bạch: "Lời ru của dân tộc Tày có nhiều nội dung, mang nhiều ý nghĩa, các nội dung gắn liền với đời sống hằng ngày. Trong đó, tôi tâm đắc nhất là lời ru trong ngày con đầy tháng, tên con được đặt trong dịp này. Tên con là ‘Đao’ trong tiếng Tày, nghĩa là sao sáng trên bầu trời".

Xúc động hành trình “đi tìm lời ru” của những phụ nữ dân tộc (Bài 2) - Ảnh 4.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Điềm, dân tộc Tày - Ảnh: Xuân Phương

Bà Điềm nói lời ru của dân tộc Tày rất ý nghĩa, nhưng thực tế nhiều người cao tuổi đã qua đời, những người kế cận còn sống thì cũng rất lâu rồi không hát ru con cháu nữa. Trong quá trình đi tìm lời ru, tôi vẫn đau đáu với câu hỏi "Sưu tầm lời hát ru cổ từ ngày xưa nếu thành công thì có ai nghe nữa không? Trẻ dân tộc Tày ở nơi tôi sống, 2-3 tuổi các cháu đã đến trường mầm non học tiếng phổ thông, nghe nhạc… hoàn toàn bằng tiếng phổ thông".

Tuy nhiên, bà Điềm cũng đau đáu với việc bảo tồn, giữ bản sắc văn hóa dân tộc để con em mình được nghe, được thấy văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nếu không giữ lại bản sắc sẽ dần mai một đi…

Hành trình đi tìm lời ru của bà Điềm khá gian nan khi bà tới 3 xã ở huyện Phú Lương: Ở xã Ôn Lương, không ai còn biết về bài hát ru cổ, mọi người đều ru con "à ơi…"; xã Yên Trạch thì có một phụ nữ người Cao Bằng theo chồng về đây sống, biết bài hát ru cổ bằng tiếng mẹ đẻ của chị; ở xã Yên Ninh, có một cụ bà đã ngoài 80 tuổi còn nhớ lõm bõm vài câu lời ru cổ của người dân tộc Tày ngày xưa…

Bảo tồn bản sắc dân tộc, trong đó có ngôn ngữ và hát ru, không phải là câu chuyện của riêng ai, mà của cả cộng đồng. Bên cạnh ý thức ru con bằng tiếng mẹ đẻ trong gia đình, cần có những người trong cộng đồng có ý thức sưu tầm, soạn thảo các bài hát và thu âm, ghi hình đưa lên internet để cộng đồng có thể tiếp cận...

Nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý, người đã xây dựng nhiều dự án liên quan đến nghệ thuật dân tộc tại Việt Nam

Sau một thời gian miệt mài tìm kiếm, bà Điềm đã tìm được tổng cộng 10 cụ bà có thể chia sẻ về lời hát ru cổ trong một buổi tọa đàm. Tuy nhiên, vì sức yếu, 2 cụ không thể đến tham gia. Bà Điềm cho biết, sau tọa đàm, phía xã đã gợi ý thành lập câu lạc bộ để lan tỏa bài hát ru cổ đến với nhiều người hơn; các trường phổ thông cũng muốn đưa vào chương trình ngoại khóa…

Bà Điềm cho rằng, cần có sự quan tâm hơn nữa của nhà quản lý, các tổ chức và cộng đồng, có hướng bảo tồn văn hóa, trong đó có hát ru; có các hoạt động để lan tỏa loại hình này.

Không ít người dân tộc khi được hỏi về lời ru trong ký ức đã thẳng thắn chia sẻ họ lo lắng vì sau này những lời ru ý nghĩa, giai điệu đẹp của dân tộc mình sẽ dần mai một. Bởi thế hệ trẻ người dân tộc hiện tại cũng thường cầm điện thoại lướt facebook, họ cũng không mặn mà với việc nói tiếng dân tộc… Tuy nhiên, những phụ nữ này đều cho biết, họ vẫn thuyết phục các con phải học tiếng của dân tộc mình, để tiếng nói của dân tộc mình không mất đi…

Trẻ nhỏ cần được nghe tiếng nói, âm nhạc của dân tộc mình để lớn lên có ý thức về bản sắc dân tộc; bởi vậy, việc đánh thức cộng đồng về cái hay, cái đẹp của hát ru khá quan trọng, từ đó góp phần gìn giữ, tiếp nối vẻ đẹp văn hóa các dân tộc.

Bà Lý Thị Hồng Kiều, dân tộc Khmer chia sẻ, bà có 4 người con, 9 người cháu. Dù có những bài hát ru xưa bà không thuộc lời nhưng vẫn nhớ được giai điệu. Bà đã ru con bằng những bài hát ru của dân tộc mình, như muốn truyền cho các con cháu tình yêu với bản sắc văn hóa của người Khmer…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.