Xúc động hành trình “đi tìm lời ru” của phụ nữ dân tộc

09/07/2023 14:31
Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

Những người phụ nữ dân tộc miệt mài đi tìm lời ru - với mong muốn phát huy ngôn ngữ mẹ đẻ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...

Lời ru trong ký ức 

Chị Sakaya (người dân tộc Chăm, Ninh Thuận) chia sẻ, với người dân tộc Chăm, phụ nữ mặc định là người làm mọi việc trong nhà. Hồi nhỏ, chị "nghe ké" ông hát ru mấy đứa em. "Ông tôi hát toàn bộ lời ru bằng tiếng Chăm. Giọng ông trầm ấm, rất hay. Có bài ông hát, tôi nghe mà có cảm giác ông vừa hát vừa khóc. Lời bài hát này đại loại là nói về việc cha mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả cho con"- chị Sakaya nhớ lại.

Xúc động hành trình “đi tìm lời ru” của những phụ nữ dân tộc (Bài 1) - Ảnh 1.

Chị Sakaya - Ảnh: V.H

"Từ nhỏ tôi đã được sống trong tình yêu âm nhạc, ngôn ngữ Chăm nên tôi thấy rất biết ơn ông. Đây như một điều bí mật của tôi và ông. Mẹ tôi hát cũng rất hay nhưng hồi nhỏ tôi không được nghe mẹ hát tiếng Chăm. Mẹ tôi là giáo viên mầm non, khi không có ai chăm con thì tôi được mẹ đưa đến lớp. Ở đây, tôi được nghe mẹ hát ru trẻ bằng tiếng Kinh. Tôi từng muốn được nghe cả bố và mẹ hát nhưng điều đó không xảy ra.

Khi đó, lúc nào tôi cũng nghĩ, sau này có con tôi sẽ hát ru con. Tôi còn chuẩn bị rất kỹ cho việc này khi nghĩ sẽ hát bài gì. Dù rằng hiện tại, các bài hát ru truyền thống của dân tộc Chăm giờ đã có xu hướng hiện đại hóa, nhiều từ đã bị thay thế cho phù hợp hơn. Tôi cũng lo không biết khi mình hát bằng tiếng dân tộc của mình hàng xóm có thấy phiền không?

Thực tế, tôi đã hát ru từ khi con còn trong bụng mẹ đến tận khi con chào đời, với mong muốn con có thể cảm nhận được tình yêu sâu sắc của mẹ qua lời ru như bao thế hệ cha mẹ từng làm"- chị Sakaya chia sẻ.

Khi con chị Sakaya mới được 2-3 tháng tuổi, hôm đó chị mệt nên mẹ chị đã ôm cháu ngoại vào võng và hát ru cháu bằng tiếng Chăm. Chị Sakaya đã rất xúc động vì đó là lần đầu tiên trong đời chị được nghe mẹ hát ru bằng tiếng Chăm. "Giọng mẹ tôi rất hay. Tôi khó có thể diễn tả thành lời cảm xúc của tôi thời điểm đó bởi mong muốn từ rất lâu rồi của tôi đã thành hiện thực".

Trở về nơi mình sinh ra

Chồng chị Sakaya là anh Inra Jaka, người dân tộc Chăm cũng bày tỏ, những ký ức tươi đẹp thời thơ ấu đã thôi thúc anh trở về nơi mình sinh ra để tìm hiểu văn hóa dân tộc mình. "Cả gia đình vào Sài Gòn khi tôi lên 8 tuổi. Là một đứa trẻ, tôi nhớ quê, nhớ mái trường, nhớ bạn bè, nhớ những buổi rong chơi rừng thưa hái quả dại, nhớ mùi hương lúa chín. Thời gian trôi, ký ức về quê hương cũng phai nhạt dần, tôi lạc vào thế giới hiện đại, đi đến muôn nơi. 30 tuổi, tôi làm một chuyến hành trình các làng Chăm, bỗng bao ký ức tràn về. Lại thấy nhà lễ kajang, trống ginang, vũ sư ka-ing múa đạp lửa, bà bóng hóa thân các vị thần, tiếng hát, lời ca du dương quen thuộc, một thời ngọt ngào ru tôi vào giấc say. Tôi quyết định ở lại và tìm về các giá trị truyền thống đã hình thành nên tâm hồn tuổi thơ tôi".

Anh Jaka chia sẻ, anh thường chăm con khi vợ đi làm sớm. Khi đó, anh cũng nhớ đến ký ức lúc nghe mẹ hát ru thuở nhỏ. "Ký ức đầu đời của đứa con thường rất sâu. Tôi ẵm con và ru con như một bản năng. Chỉ cần hát ru vài ba câu là con đã ngủ thiếp đi. Lời ru của người dân tộc Chăm đa phần là dân ca, có chút buồn".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.