Xúc động vợ chồng "trốn" gia đình xung phong vào tâm dịch TPHCM

Các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cùng vợ chồng chị Huệ xung phong vào tâm dịch TPHCM để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19

Các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cùng vợ chồng chị Huệ xung phong vào tâm dịch TPHCM để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19

Vì không muốn gia đình lo lắng nên vợ chồng anh Thành, chị Huệ quyết định không thông báo cho gia đình 2 bên về việc xung phong vào TPHCM chống dịch. Khi vào đến nơi, anh chị mới điện thoại báo cáo gia đình, động viên bố mẹ yên tâm và giữ gìn sức khỏe.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh miền Nam, khi nhận được lời hiệu triệu chi viện cho TPHCM của Bộ Y tế và Đảng ủy - Ban Giám đốc BV Bạch Mai, vợ chồng điều dưỡng Tạ Văn Thành (sinh năm 1989), làm việc tại khoa Nhi và chị Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1996) làm việc tại Trung tâm Thần Kinh - BV Bạch Mai đã cùng xung phong đi chống dịch, sẵn sàng dấn thân vào nguy hiểm vì sức khỏe của cộng đồng.

Anh Thành và chị Huệ cho biết, dù bản thân đã trải qua nhiều chuyến công tác xa nhà nhưng đây là lần đầu tiên cả 2 vợ chồng cùng tham gia một chuyến công tác khó khăn nhất, một trận chiến lịch sử mà cả thế giới đang phải đối mặt. Khi xác định lên đường, hai vợ chồng cũng biết những nguy hiểm, khó khăn vất vả sẽ phải trải qua nhưng với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, anh chị vẫn quyết tâm cùng nhau xông vào tâm dịch.

Xúc động vợ chồng "trốn" gia đình xung phong vào tâm dịch - Ảnh 1.

Các bác sĩ BV Bạch Mai tại Bệnh viện dã chiến 16 TPHCM

Anh Thành chia sẻ, ngay khi nhận được tin đăng ký vào chi viện cho miền Nam, vợ chồng anh đều đồng lòng nhắn tin xung phong tham gia. Về phía gia đình đôi bên (vợ chồng anh mới cưới, chị Huệ mới mổ được 2 tháng, còn bố anh Thành thì cũng mới mổ khớp háng, đi lại rất khó khăn), sợ gia đình, bố mẹ không đồng ý cho con đi vào chỗ nguy hiểm, gian khổ nên anh chị quyết định không thông báo trước cho bố mẹ mà để vào đến TPHCM thì sẽ gọi điện về cho gia đình. Buổi sáng bệnh viện thông báo, đến buổi trưa lên đường luôn, anh chị chỉ có đúng nửa ngày để chuẩn bị hành lý, đồ dùng cá nhân và bàn giao công việc cho đồng nghiệp ở lại.

Chị Huệ nhớ lại: Khi vào đến TPHCM, anh chị mới dám gọi điện về cho ông bà, bố mẹ hai bên. Ngoài sự ngỡ ngàng, thương con cháu của cả gia đình thì cả gia đình nhìn nhau bật khóc. Nhưng ông chị là Đảng viên, ngoài dặn dò hai cháu cẩn thận, giữ sức khỏe, còn giao cho anh chị trách nhiệm công tác tốt. Cả đời ông cũng gắn liền với binh nghiệp, chiến tranh nên ông rất tự hào vì cháu mình cũng đi đánh giặc vô hình trong thời bình. Sau đó, bố mẹ cũng động viên anh chị yên tâm làm nhiệm vụ; cố gắng giữ gìn sức khỏe để chăm sóc tốt cho những người bị bệnh, sớm trở về bên gia đình.

Trước áp lực khối lượng công việc quá lớn, anh chị phải mặc đồ bảo hộ suốt 8 tiếng giữa thời tiết nắng nóng 36, 37 độ, mồ hôi ướt sũng toàn cơ thể, các vết hằn khẩu trang trên mặt, đôi bàn tay nhăn nhúm, bàn chân trợt loét vì ngâm trong mồ hôi của chính mình. Hàng ngày anh chị phải chăm sóc người bệnh, vệ sinh răng miệng, cho bệnh nhân ăn, theo dõi và phát hiện các biến chứng để xử trí cấp cứu kịp thời những ca thở máy...

Xúc động vợ chồng "trốn" gia đình xung phong vào tâm dịch - Ảnh 2.

Hàng ngày, vợ chồng chị Huệ phải chăm sóc người bệnh, cho bệnh nhân ăn, theo dõi và phát hiện các biến chứng để xử trí cấp cứu kịp thời những ca thở máy

Số lượng bệnh nhân thì không ngừng gia tăng, gánh nặng tâm lý bị đè nặng, đã có lúc anh chị tưởng chừng không chịu nổi. Nhưng mang trên mình với sứ mệnh của ngành y, phải chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân, anh chị đã vượt lên tất cả. Cứ nghĩ đến biết bao nhiêu bệnh nhân trên giường bệnh, không còn tự chủ được, nằm bất động đang chờ mình cứu giúp, các đồng nghiệp cũng đang vắt kiệt sức mình để cứu chữa bệnh nhân, anh Thành và chị Huệ lại tự nhủ bản thân tiếp tục cố gắng với công việc.

Ở nơi không còn biết hôm nay là ngày nào, tháng nào, nơi tất cả các nhân viên y tế đang nỗ lực cao nhất để giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần thì niềm vui của anh chị là khi thấy người bệnh được phục hồi. Chị Huệ chia sẻ: “Khi thấy mỗi bệnh nhân khỏe lên từng ngày, mình mừng lắm, cứ như người thân của mình vừa thoát khỏi cửa tử vậy”.

Sau một ngày làm việc vất vả với nhiều áp lực, phút giây nghỉ ngơi gọi điện hỏi thăm những người thân trong gia đình là giây phút khiến chị được thư giãn, thoải mái và lấy lại động lực cho một ngày làm việc tiếp theo theo. Chị Huệ mong muốn người thân và cộng đồng có nhiều sức khỏe hơn; mong muốn dịch bệnh sớm được đẩy lùi, không phải chứng kiến những người bị bệnh tử vong vì đại dịch nữa; mọi người sớm trở lại cuộc sống thường ngày và mọi gia đình sớm được sum vầy.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn