Y Phương - Người dùng thi ca tôn vinh vẻ đẹp văn hóa Tày

10/02/2022 21:26
Nhà thơ Y Phương (1948 - 2022)

Nhà thơ Y Phương (1948 - 2022)

Y Phương có khả năng kết hợp giữa hai ngôn ngữ Tày - Việt thật tài tình. Ông đưa vào thơ văn một cách tự nhiên tên gọi tiếng Tày của những tập tục, lễ hội hay các trích đoạn dân ca, lời ăn tiếng nói của người Tày…

Khi còn là một cậu bé, tôi chỉ biết nhà thơ Y Phương qua sóng radio. Tôi ở vùng cao và nghe qua làn sóng nhà đài một người miền núi viết về người miền núi cũng lắm cảm xúc. Thuở đó chỉ biết Tiếng hát tháng giêng. Tắt radio rồi, tôi lẩm nhẩm đọc: "Dẫu em qua một vùng đảo đá/Đá lô nhô như sóng triều dâng/Sóng có buồn? Sao núi bâng khuâng/Quê tôi còn nghèo lắm".

Tôi nghĩ về hình bóng một anh lính người Tày vai mang súng ra chiến trận trong mùa tòng quân tháng giêng. Tôi nghĩ đến hình ảnh người trai lạc giữa mênh mông biển cả trong trường ca Khảm hải (Vượt biển), một tác phẩm kinh điển của văn học dân gian người Tày. Chốn biển thẳm cũng như cõi then, mường tâm linh của người Tày, Nùng và Thái… Tôi nghĩ cũng như quê nhà thơ, quê tôi cũng còn nghèo lắm.

Những thế hệ sau tôi khi lên lớp 9 còn được học Nói với con. Còn tôi biết thêm mấy câu: "Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/Sống trong thung không chê thung nghèo khó". Đó là những "vốn liếng" ban đầu của một người trẻ ở miền núi mê văn chương của nhà thơ Y Phương. Có một bài thơ nữa, tôi đọc của ông in trên một tờ báo Tết nhưng rồi chẳng còn nhớ nội dung. Tâm trí chỉ còn đọng lại khung cảnh của nó. Bài thơ viết về một buổi sáng mùa xuân, người thơ ngồi nghe tiếng mưa rơi tí tách trên mái tôn mà cảm tác thành.

Nhà thơ Y Phương lúc sinh thời

Nhà thơ Y Phương lúc sinh thời

Thế rồi tôi thành học viên trường viết văn. Có những lần Y Phương đến trò chuyện thơ. Đã ngót 18 năm rồi. Thời đó tôi chỉ đứng ngắm từ xa mà không dám men đến hỏi về bài thơ mà tôi vẫn luôn lục tìm trong trí nhớ. Rồi tôi cũng có dịp diện kiến Y Phương một lần duy nhất. Khoảng giữa năm 2008, tôi theo anh bạn làm báo đến nhà ông chơi. 

Ngày đó Y Phương còn ở phố Khuất Duy Tiến (Hà Nội). Đó là một buổi sáng có mưa nhỏ. Tiếng mưa lộp độp trên mái tôn khiến tôi chợt nhớ đến bài thơ ngày nào. Nhưng đang vui chuyện, tôi không tiện hỏi, còn nhà thơ hầu như chỉ kể về cuộc sống. Ông bảo ngày trước ngoài làm cán bộ, làm thơ ra còn "đi buôn hàng tâm lý". Tức là buôn lậu đó, ông giải thích rồi kể thêm chuyện hồi những năm 1980 có lần giấu tắc kè mang sang Trung Quốc bán. Đến chốt kiểm soát thì tắc kè kêu, thế là lộ tẩy, phải nộp phạt. Câu chuyện vui khiến tôi quên béng chuyện tính hỏi về bài thơ ngày nào.

Qua lần gặp tôi nhận ra Y Phương là người luôn tay làm việc. Ông không chịu được sự luộm thuộm. Nơi ở phải tươm tất mới có cảm hứng sáng tạo. Rồi ông ngâm thơ tiếng Tày và khuyên tôi và anh bạn kia rằng các cậu là những người dân tộc thiểu số viết văn thì không nên để quên đi tiếng mẹ đẻ và văn hóa vùng miền của mình. Hãy thổi hồn văn hóa vào trang viết.

Tôi trở về và đọc thơ ông nhiều hơn. Té ra với ông làm thơ chẳng hề cầu kỳ. Nhiều khi đó là những nếp nghĩ, lời ăn tiếng nói của cộng đồng đem tạo tác thành thơ. Ví như bài Ngựa hồng in trong tập Đàn then năm 1996:

Con ngựa hồng bờm dài/Từng đưa Cha đi chữa bệnh/Nay ngựa hồng đưa Cha về trời

Cha chữa cho ai ở trên kia/Ngựa hồng ăn cỏ gì/Uống nước nguồn suối nào

Mồng một hôm rằm/Con thắp hương cúng Cha/Con ngựa hồng chợt đứng trên ngọn cây/Tỏa sức nóng.

Bài thơ kể về nỗi nhớ người cha đã khuất của tác giả. Trong quan niệm tâm linh của người Tày, khi ai đó mất đi sẽ cưỡi ngựa về mường then. Đó cũng là hình ảnh vầng mặt thời được thi vị hóa trong tác phẩm. Chúng ta cũng thấy điều này trong những bài thơ về tên ngôi làng Hiếu Lễ của ông hay câu chuyện về những đôi guốc mộc hong trên gác bếp "khô như thịt bò" và tiếng gõ guốc "krốc krác" vang vọng trong những giấc mơ. Đó là bóng dáng của những nét xưa, nhưng ẩn dụ về truyền thống văn hóa trước những đổi thay của thời cuộc được thể hiện đầy dung dị và độc đáo.

Tập tản văn "Tháng giêng – tháng giêng một vòng dao quắm" của Y Phương

Tập tản văn "Tháng giêng – tháng giêng một vòng dao quắm" của Y Phương

Ít lâu sau cuộc gặp với ông, tôi đọc thêm tập tản văn Tháng giêng – tháng giêng một vòng dao quắm, NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2009. Đó là một lối viết ngay lập tức đã cuốn hút tôi. Những câu chuyện về tập tục về con người và miền đất quê hương của ông được kể một cách chậm rãi nhưng duyên dáng, ngôn từ đầy âm thanh với những từ láy độc đáo. Tôi còn nhận ra ở ông về khả năng kết hợp giữa hai ngôn ngữ Tày - Việt thật tài tình. Ông đưa vào tản văn một cách tự nhiên tên gọi tiếng Tày của những tập tục, lễ hội hay các trích đoạn dân ca, lời ăn tiếng nói của người Tày…

Càng đọc ông, tôi lại như mình lạc trong một cuộc kiếm tìm. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng những vần thơ của ông sẽ luôn là một bí ẩn. Như bài thơ về khung cảnh một buổi sáng mưa xuân rơi tí tách trên mái tôn ngày nào vậy.

Tôi sẽ chẳng còn cơ hội hỏi Y Phương về bài thơ bí ẩn đó nữa. Sáng nay, tôi chợt nhận tin nhà thơ đã cưỡi ngựa về mường then. Văn hữu của ông từng chia sẻ Y Phương luôn mang nỗi nhớ quê da diết và đau đáu với một vùng văn hóa quê hương ông trước những biến động tân thời. Thì nay ông đã thỏa nguyện khi được thực sự trở về với cội nguồn.

Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước, sinh năm 1948, quê huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ông đến với thơ ca từ những năm tháng quân ngũ. Từ năm 1976-1979, Y Phương học trường Điện ảnh Việt Nam, rồi học khóa II Trường viết văn Nguyễn Du (1982-1985). Năm 1986, ông công tác tại Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Cao Bằng. Từ năm 1991, ông là Phó Giám đốc Sở, rồi Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Cao Bằng, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI.

Y Phương sáng tác nhiều tập thơ, trong đó có các tập thơ song ngữ Việt-Tày. Bài thơ Nói với con của ông được đưa vào chương trình ngữ văn lớp 9. Ông đoạt giải cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987 với tập thơ Tiếng hát tháng Giêng. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Nhà thơ Y Phương từ trần vào đêm 9/2/2022 ở tuổi 74.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn