Đồi bông lau đung đưa giữa trời ở Quảng Ninh cùng trải nghiệm nghỉ dưỡng trên mây khó quên

Dương Dương
13/10/2023 - 12:27
Những bông lau đung đưa trong gió ở độ cao 1.000m tạo nên khung cảnh tuyệt mỹ.

Quảng Ninh được ca ngợi như một "Việt Nam thu nhỏ". Mùa hạ, nhiều người tìm tới Quảng Ninh để hạ nhiệt với biển ở Hạ Long, Cẩm Phả, Cô Tô... Mùa thu đông, những nơi có đồi núi lại trở thành điểm đến cho những chuyến du lịch kết hợp vừa khám phá, vừa nghỉ ngơi của các gia đình. 

"Mỹ cảnh nhân gian" khiến fan xê dịch không thể ngồi yên

Cùng với lúa chín vàng ở vùng núi Tây Bắc thì tỉnh ở Đông Bắc cũng vào mùa lau đẹp không kém. Những ngày này, lướt khắp mạng xã hội, không ít lần ta phải "khựng lại" trước những bức ảnh, thước phim ghi lại con đường sống lưng khủng long uốn lượn trên các đỉnh núi với hai bên là cỏ lau cao quá đầu, đung đưa theo gió tựa như tiên cảnh. 

Khung cảnh khiến bao người mê mệt ở Bình Liêu. Nguồn: Hạ Long With Thủy

Và nơi có thể chứng kiến "mỹ cảnh nhân gian" ấy chính là Bình Liêu - một huyện biên giới của Quảng Ninh. Bình Liêu có 43,168km đường biên giới giáp với Trung Quốc. Phía Bắc giáp với huyện Ninh Minh (TP Sùng Tả) và khu Phòng Thành (TP Phòng Thành) của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Phía Nam giáp với huyện Tiên Yên, Đầm Hà, phía Đông giáp với huyện Hải Hà (Quảng Ninh) và phía Tây giáp với Lạng Sơn. 

Ảnh: Nguyễn Đức Công, Mai Hà Phương

Di chuyển thế nào?

Cho đến thời điểm hiện tại, giao thông ở tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là khá hoàn thiện và vẫn tiếp tục được nâng cấp. Do đó, dù là huyện biên giới nhưng để di chuyển tới Bình Liêu không quá khó khăn. Trước kia, nơi này nổi tiếng chỉ dành cho những "phượt thủ" thì giờ đây, các gia đình chỉ cần có một "tài xế" vững tay là có thể chinh phục được những đoạn đường xuyên núi. 

Bình Liêu nằm cách Hà Nội khoảng 270km, cách thành phố Hạ Long khoảng 130km. Để tới đây, du khách có thể chọn đi xe limousine với tần xuất khoảng 1 tiếng/chuyến từ Hà Nội, giá vé trung bình 300.000đ/lượt. Sẽ tốn chừng 3h50 phút là tới trung tâm huyện Bình Liêu. 

Trong khi đó, nhiều gia đình cũng chọn phương án tự chạy xe. Từ Hà Nội, hạy chạy xe theo hướng vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sau đó ở nút giao cao tốc rẽ sang hướng Hải Phòng - Hạ Long, hướng vào cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đi theo Quốc lộ 18C là tới Bình Liêu. 

Những hành trình không thể bỏ qua khi tới Bình Liêu

Cung đường cột mốc biên giới

Một "đặc sản" của Bình Liêu chính là những cột mốc đánh giấu chủ quyền lãnh thổ, cũng là niềm tự hào của người dân cả nước. Cung đường chinh phục các cột mốc biên giới cũng là cung đường tuần tra của bộ đội biên phòng, kéo dài hơn 50km. Do đó lúc nào cũng được giữ sạch sẽ, đường không quá lắt léo khó đi, song, sẽ được băng qua những ngọn núi trùng điệp, ngắm nhìn khung cảnh nên thơ của mảnh đất biên cương. 

"Mỹ cảnh nhân gian" ở Quảng Ninh với "sống lưng khủng long" huyền thoại cùng trải nghiệm nghỉ dưỡng trên mây - Ảnh 3.

Ảnh: Cường Pin

Có 4 cột mốc Việt - Trung không nên bỏ lỡ ở Bình Liêu là cột mốc số 1300, 1302, 1305 và 1327. Nhiều người lựa chọn đi bộ để lên 1 trong 4 cột mốc, song, cũng có nhiều du khách chọn thuê xe máy chạy dọc cung đường để có thể tới thăm cả 4 cột mốc. Về hành trình khám phá, du khách có thể xin tư vấn của bộ đội biên phòng để chọn được cung đường thích hợp. 

Ảnh: Bùi Quỳnh Anh

Từ trung tâm Bình Liêu, muốn tới cột mốc 1300, 1302 du khách nên chạy xe theo hướng quốc lộ 18, hướng đi Hoành Mô, rẽ vào bản Ngàn Chuồng theo hướng mốc 61 và di chuyển thêm chừng 8km đường mòn. 

Cột mốc 1327 nằm trên địa phận bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn. Đường đi từ trung tâm huyện tới cột mốc 1327 cũng là con đường đi qua khá nhiều cột mốc biên giới khác. 

Bên cạnh đó, cột mốc 1297 cũng được một số người tìm tới bởi có thiên đường cỏ lau tuyệt đẹp mà lại vắng khách du lịch hơn. Ảnh: Lê Thị Thanh Tâm, Xuân Lan Nguyễn Thị.

Chinh phục "sống lưng khủng long" 

Trong hành trình chinh phục các cột mốc biên giới, 1305 được nhiều người lựa chọn hơn cả. Bởi đây cũng chính là cung đường có "sống lưng khủng long" huyền thoại và cũng là cột mốc coa nhất ở tỉnh Quảng Ninh. Nhiều người còn ví đoạn đường này như "Vạn Lý Trường Thành" của Việt Nam bởi độ dài, độ dốc cũng như sự hoang sơ của nó. 

Đứng ở nơi này, ta như nhỏ bé lại trước thiên nhiên bao la. Thu vào tầm mắt toàn cảnh Bình Liêu, với những cánh đồng lau sậy cùng núi non xanh thẳm hay xa xa có cả các bản làng chìm trong ruộng bậc thang nên thơ. 

Ảnh: Hùng Trương, Bùi Quỳnh Anh, Gà Công Nghiệp

Những homestay trên mây

Mô hình lưu trú ở Bình Liêu còn khá đơn giản và chủ yếu là các homestay. Chưa kể, còn nằm khá xa các địa điểm du lịch. Tuy nhiên, điểm cộng lớn là đa phần các homestay đều ở vị trí rất đẹp, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống đơn giản mà cũng gần gũi với thiên nhiên, cảm nhận rõ nét văn hóa của đồng bào các dân tộc. Một số địa chỉ được đánh giá cao theo trải nghiệm của những vị khách du lịch đã tới trước. 

Hoa Sở Homestay: Đây là homestay có diện tích rộng nhất, có nhiều góc decor đẹp và phòng ốc khang trang. Các phòng nghỉ ở đây đều có view toàn cảnh Bình Liêu, nhìn ra cánh đồng lau sậy, ruộng bậc thang và núi cao. 

Bình Liêu Farmstay: Nhiều người yêu thích bởi này không chỉ có chỗ nghỉ mà còn có một vườn hoa rộng gần 2h, trồng đủ các loại hoa, quanh năm khoe sắc. Tại đây, du khách có thể thuê lều giống như du lịch bụi, nằm giữa đồi núi tràn ngập hoa cỏ và còn có những góc chụp mờ ảo giữa màn sương. Ngoài ra, cũng có góc ngồi uống cafe ngắm mây núi. Tuy nhiên, đường lên homesay hơi dốc và quanh co, nếu không thạo bạn nên liên hệ để nhân viên chỉ dẫn.

Ảnh: Bình Liêu Farmstay, Lê Thị Thanh Tâm

Cao Ly Homstay: Nơi này được thiết kế hình chữ A độc đáo. Cũng nằm ở vị trí khá cao nên nếu vào sáng sớm hay chiều về, mây trôi bồng bềnh, dường như cả khu nghỉ chìm trong biển mây trắng xóa. 

A Dào Homestay: Nơi này lại được thiết kế theo phong cách nhà sàn của người Dao. Nằm lọt thỏm giữa núi đồi nên khá yên tĩnh nhưng có không gian rộng để tổ chức các hoạt động vui chơi, giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại. 

Sông Moóc House: Homestay này có view toàn cảnh ruộng bậc thang Bình Liêu và núi rừng biên cương.

Ẩm thực Bình Liêu

Bình Liêu là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa, Kinh... Bởi vậy, ẩm thực nơi đây cũng là sự giao thoa của văn hóa các dân tộc. Tới đây, du khách có thể thưởng thức các đặc sản như: Gà đen, phở xào, miến dong, bánh coóc-mò, bánh tài lồng ệp... 

Ảnh: Báo Quảng Ninh, Hà Nội Tourist

Ngoài ra, nếu tới vào ngày 21/10 thì ở Bình Liêu còn có Lễ hội mừng cơm mới, được tổ chức ở đình Lục Nà, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu. 

Một số lưu ý cho chuyến đi Bình Liêu

Khoảng cách các địa điểm không gần nhau, thường sẽ tốn khoảng 1 tiếng cho đoạn đường dài 20km - 25km, cũng có một số đường đèo dốc, một số đoạn dốc thẳng đứng. Nếu không vững tay lái thì có thể thuê hướng dẫn viên bản địa với giá khoảng 500.000đ - 600.000đ/ngày.

Về cung đường các cột mốc, du khách nên đi 1305 từ lúc sáng sớm, khoảng 4-5h sáng, để khi 9h sáng, mặt trời lên cao thì sẽ có những bức ảnh đẹp nhất mà không quá nóng thì leo cũng đỡ cực hơn.

Nên đi cột mốc 1297 vào buổi chiều để ngắm hoàng hôn.

Nên chọn lựa trang phục thoải mái và đi giày thể thao để tránh trơn trượt và tiện đi bộ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm