Làng nghề truyền thống hồi sinh sau đại dịch

Bài, ảnh: Anh Quân
09/06/2022 - 09:28
Làng nghề truyền thống hồi sinh sau đại dịch

Trẻ trải nghiệm vẽ gốm ở Bát Tràng

Về làng Bát Tràng (Hà Nội) vào những ngày này, có thể cảm nhận nhịp sống bình thường đang dần trở lại qua không khí tấp nập mua sắm của du khách. Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km, làng gốm Bát Tràng là một địa điểm quen thuộc với du khách đến tham quan Thủ đô.
Tự làm mới sản phẩm, dịch vụ

Chị Lê Thị Trang, ở làng gốm Bát Tràng, hồ hởi chia sẻ: Trong 2 năm dịch Covid-19, làng vẫn duy trì sản xuất và kinh doanh, bán hàng online nhưng lượng khách đến tham quan, mua sắm rất ít. Từ khi du lịch được hoạt động bình thường trở lại, khách về làng gốm đông hơn, có cả du khách nước ngoài. 

Cùng với kinh doanh các sản phẩm gốm truyền thống của làng, gia đình chị cũng mở lại sân chơi nặn gốm. Với 50.000 đồng/vé, du khách có thể thoải mái sáng tạo với đất và bàn xoay và nhận sản phẩm thô mang về. Nếu muốn sản phẩm hoàn chỉnh, du khách phải để lại xưởng để hoàn thiện các công đoạn tiếp theo. Sản phẩm sẽ được giao tới tận nhà khách hàng với mức giá từ 100.000 đồng/món (chưa tính phí giao hàng). Dịch vụ trải nghiệm này thu hút khá đông du khách, đặc biệt là vào dịp cuối tuần.

Đa dạng sản phẩm cũng là cách các nghệ nhân làm nón làng Chuông (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đang thực hiện để thu hút khách hàng. Chị Tạ Thị Hương, một nghệ nhân làm nón, cho biết: Để đáp ứng nhu cầu mua làm quà tặng, quà trang trí của du khách, cơ sở sản xuất của chị đã chuẩn bị những bộ nón quai thao, nón truyền thống, nón trang trí với nhiều mẫu mã, kích thước, kiểu dáng để du khách có thêm lựa chọn.

Trở lại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) sau thời gian dịch Covid-19, chị Đặng Thanh Hoàng (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị khá ngạc nhiên vì sự thay đổi của làng nghề nơi đây. Các sản phẩm lụa được bày bán phong phú, nhiều chủng loại. Trong đó, có nhiều sản phẩm may sẵn, hợp "mốt" để người tiêu dùng lựa chọn. Bên cạnh đó là cảnh quan của làng gọn gàng, sạch đẹp, nhiều điểm được trang trí đẹp để du khách có thể chụp ảnh lưu niệm.

Tự thay đổi, đa dạng sản phẩm, dịch vụ là cách nhiều làng nghề truyền thống tại Hà Nội và vùng phụ cận đang áp dụng để mang đến trải nghiệm mới cho du khách.

Những "cú hích" phát triển làng nghề

Cùng với sự nỗ lực thay đổi của các làng nghề để phục hồi sau đại dịch, nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề cũng đang được triển khai, tạo cơ hội cho các làng nghề phục hồi sản xuất và quảng bá sản phẩm đi xa hơn. Cụ thể, để hỗ trợ các làng nghề phát triển, thời gian qua, TP. Hà Nội đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ các làng nghề như: Chính sách phát triển các ngành nghề nông thôn, hỗ trợ kinh phí công nhận danh hiệu làng nghề. Bên cạnh đó, hàng loạt chương trình, hội chợ, tuần lễ giới thiệu, tôn vinh làng nghề truyền thống cũng được tổ chức.

"Đặc biệt, những ngày SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam được coi là cơ hội vàng để quảng bá các sản phẩm từ làng nghề truyền thống", ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng du lịch, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội, chia sẻ. Những sản phẩm từ làng nghề như sơn mài mỹ thuật, sừng mỹ nghệ Thụy Ứng, nón làng Chuông (huyện Thanh Oai); chuồn chuồn tre Thạch Xá, quạt giấy Chàng Sơn (huyện Thạch Thất); tò he (huyện Phú Xuyên); lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín)… có mặt tại nhiều địa điểm quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước. Đây là những tín hiệu vui, minh chứng cho sự hồi sinh của các làng nghề sau đại dịch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm