Giữ gìn, lan tỏa những giá trị của di sản hát Xoan nơi Đất Tổ

Hà Nhân
28/04/2023 - 22:25
Giữ gìn, lan tỏa những giá trị của di sản hát Xoan nơi Đất Tổ

Một buổi trình diễn hát Xoan. Ảnh: Anh Tuấn

Ghé thăm xã Kim Đức (thành phố Việt Trì, Phú Thọ) trong những ngày cận kề Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 2023, kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, chúng tôi được thưởng thức những tiết mục Xoan cổ trong không gian linh thiêng tại miếu Lãi Lèn và trò chuyện với các nghệ nhân phường Xoan Phù Đức.
Những người "truyền lửa"

Với chất giọng cao, trong trẻo và khuôn mặt phúc hậu, ít ai nghĩ nghệ nhân Lê Thị Tú đã 76 tuổi. Ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", niềm say mê của bà với hát Xoan vẫn như ngày nào. Bà kể, năm 13 tuổi bà đã thuộc và biểu diễn thuần thục nhiều bài Xoan cổ. 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều người là đào, kép Xoan nên tuổi thơ của bà đã thắm đượm những làn điệu Xoan. Thừa hưởng "gien" từ mẹ, lại được cậu, chú ruột dạy hát nên càng ngày, bà càng phát huy năng khiếu của mình. 

Thông thường, mới đầu tập hát Xoan, nhất là các điệu hát thờ, rất khó nhưng đối với nghệ nhân Lê Thị Tú thì khác. Lớn lên, bà hát được tất cả các điệu Xoan mà hát điệu nào cũng hay. Càng hát nhiều bà lại càng hiểu và thấm thía ý nghĩa sâu sắc của các câu Xoan cổ.

Để di sản mãi lưu truyền - Ảnh 1.

Một buổi truyền dạy hát Xoan cho học sinh

Trùm phường Xoan Thét Bùi Thị Kiều Nga được sinh ra và lớn lên ở làng Xoan An Thái, xã Phượng Lâu. Cha của bà Nga là thành viên của phường Xoan An Thái. Cũng theo cha học hát Xoan từ khi mới 14-15 tuổi nhưng chỉ đến khi làm dâu ở xã Kim Đức, cơ duyên cùng với hát Xoan được truyền từ người cha đã đưa bà Nga gắn bó với phường Xoan Thét. 

Trải qua 24 năm gắn bó với nghệ thuật hát Xoan, bằng tình yêu và lòng đam mê, bà Nga đã nắm vững và trình diễn thuần thục 26 bài Xoan cổ cũng như những kỹ năng hát múa của đào Xoan, đánh trống, phách của kép Xoan. Năm 2015, bà được phường Xoan Thét tín nhiệm bầu làm Trùm phường.

Cùng với những "cây đa", "cây đề" của phường Xoan Thét, bà Nga luôn tích cực tham gia các hoạt động thực hành, trình diễn và khôi phục các tập tục hát Xoan; đồng thời tổ chức truyền dạy cho các thế hệ trong phường Xoan, các lớp nghệ nhân kế cận, cộng đồng, giáo viên dạy âm nhạc và học sinh trên địa bàn tỉnh. 

Đồng thời, bà Nga cũng có nhiều đóng góp tích cực, từ việc tổ chức cho phường Xoan biểu diễn theo nghi thức cổ, cung cấp những bài hát Xoan cổ đến tư liệu về hát Xoan, các bài bản, lề lối trình diễn...

Để di sản mãi lưu truyền - Ảnh 2.

Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan đã được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm.

Các nghệ nhân - những người "giữ lửa" hát Xoan như bà Tú, bà Nga đều hy vọng có thêm những người kế cận, có thể giữ gìn, lan tỏa những giá trị văn hóa của cha ông.

Đưa di sản vào trường học

Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan đã được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm. Các lễ hội truyền thống gắn với "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" và hát Xoan được duy trì, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thực hành, trình diễn và trao truyền di sản. 

Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản, đến nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm nghệ nhân có khả năng truyền dạy và lớp kế cận đông đảo.

Ngoài các nghệ nhân truyền dạy di sản ở địa phương, tỉnh Phú Thọ cũng chú trọng bảo tồn di sản bằng cách đưa di sản vào trường học. Hiện nay, 100% các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều đang thực hiện mô hình "Trường học gắn với di sản". 

Đặc biệt, hai di sản là "Hát Xoan" và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" đã được biên soạn và đưa vào Chương trình Giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới từ năm học 2021-2022.

Với sự đồng lòng trong bảo tồn di sản ở địa phương, hát Xoan đã trở thành món ăn tinh thần, sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, riêng có của tỉnh Phú Thọ. Đây chính là cơ sở để hát Xoan Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - được lưu truyền và quảng bá rộng hơn ra thế giới.

Tối 21/4/2023 (tức mùng 2/3 âm lịch), tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 (diễn ra từ ngày 21/4 đến 28/4), Liên hoan toàn quốc Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO.

Trong dịp này, có nhiều hoạt động khác như:

+ Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các vua Hùng vào ngày 29/4/2023 (tức ngày 10/3 năm Quý Mão) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

+ Hội nghị - Hội thảo "Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch" (ngày 22/4/2023) tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ.

+ Triển lãm di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam (từ ngày 21 đến 29/4/2023 tại Quảng trường Hùng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm