Ấm áp phiên chợ quê

02/08/2021 15:38
Phiên chợ quê ngày xưa không náo nhiệt như bây giờ. Ảnh minh họa

Phiên chợ quê ngày xưa không náo nhiệt như bây giờ. Ảnh minh họa

Phiên chợ quê ngày ấy không náo nhiệt như bây giờ, cũng không đủ đầy hàng hóa, thực phẩm. Song, nó vẫn khiến người xa quê lâu ngày khát thèm được trở về, đắm chìm trong bầu không khí yên bình mà sống động, bởi nơi ấy đã "nuôi lớn" người quê tôi cả về thể chất lẫn tâm hồn.

Năm 20 tuổi, tôi đi học ở trời Tây. 6 năm sau, tôi trở về nhận công tác trong cái bon chen, xô bồ của Hà Nội. Cuộc sống xa nhà lâu ngày làm tôi khó thích ứng với dòng người đông đúc mỗi khi ra đường, tiếng kẻng báo đổ rác mỗi giờ tan tầm, hay âm thanh huyên náo nơi góc chợ thủ đô. Thứ xúc cảm chênh chao ấy luôn dấy lên trong tôi nỗi nhớ quê nhà, thèm ăn bữa canh cua bố giã, rong ruổi trên con đường gạch và bám đuôi mẹ mỗi phiên chợ quê.

Ấm áp phiên chợ quê - Ảnh 1.

Phiên chợ quê với những gánh hàng rau tươi mới hái

Làng tôi ở một tỉnh lẻ khá gần thủ đô. Mỗi lần về dù chỉ ít ngày, nhưng sáng sáng nghe tiếng xe mẹ là tôi lao ngay ra khỏi chăn rồi nằng nặc đòi lên xe đi chợ cùng mẹ. Cả xóm ai mà không biết tôi có "đam mê" đi chợ. Chẳng phải thèm quà vặt, tấm bánh mẹ mua như thuở nhỏ, nhưng với tôi, được hòa mình vào bầu không khí phiên chợ buổi sáng cũng dư thừa năng lượng để tôi vui cả ngày.

Tôi nhớ ngày xưa, mỗi lần đi chợ là phải tính đếm, cân nhắc, bởi phiên chợ quê tôi chỉ mở vào các ngày chẵn. Người ta đi chợ cũng không thường xuyên. Thường, nhà có cỗ bàn, khách khứa, con cái đi làm ăn xa về; cần một món đồ thiết yếu nào đó; hoặc lâu lâu muốn cải thiện bữa ăn gia đình thì mới đi chợ, phần vì kinh tế eo hẹp, phần vì đường đi chợ cũng không gần.

Mới hơn 6h sáng, đủ loại hàng hóa đã được bày biện tinh tươm rồi. "Mấy người bán hàng dễ phải có mặt ở đây từ hơn 5h sáng" – tôi thầm nghĩ.

Ấm áp phiên chợ quê - Ảnh 2.

Chợ quê bày bán đủ các dụng cụ nhà nông, nhà bếp

Với diện tích vài nghìn mét vuông, người ta bày bán nào thịt, gà, tôm, cá; khoai, sắn, rau, hoa quả; dụng cụ nhà nông; quần, áo; thực phẩm tươi, khô đủ cả. Chẳng thế mà mỗi khi nhà hết thứ gì đó, người ta lại nhủ: "Để mai lên chợ mua".

Những mẻ cá, tôm tươi rói vừa đánh đăng, cất vó đã được mang ra chợ bán từ sớm. Hàng thịt cũng vội vã bày các phần đã được cắt từng miếng, phân loại rõ ràng, nào vai, ba chỉ, chân giò lên bàn. Mấy hàng rau thì được bày lên cái bao, trải ra nền đất. Gia vị hành, tỏi, sả, giềng cũng chẳng thiếu.

Phía gốc cây đa luôn là tâm điểm chú ý của đám trẻ con tầm tuổi tôi. Nơi ấy có một bà lão ngồi bán bành giầy, bánh rán, bỏng ngô. Cứ gần đến đó là lại thấy cảnh trẻ con bám áo mẹ, lắc lắc người, tay chỉ trò, mặt phụng phịu đòi mua. Bà lão ấy không biết ngồi đây tự bao giờ, tôi đoán bà cũng có "thâm niên" làm nghề này. Đôi tay bà thoăn thoắt nhào bột, nặn bánh, vừa tính tiền, trả tiền thừa cho khách, vừa canh mấy mẻ bánh rán nóng hổi, thơm phức, đánh thức dạ dày con trẻ.

Dần dần, quà bánh cũng thêm phần đa dạng. Đâu đó thấp thoáng mấy chiếc bàn nơi các cô, các chị bày bán chè thập cẩm, chè đỗ đen, đỗ xanh. Bên cạnh là hai hàng ghế nhỏ của bà bán trứng vịt lộn nóng hổi kèm đĩa muối tiêu đậm vị. Kế đến là thúng ngô nếp luộc, bắp nào bắp nấy mẩy hạt, đều tăm tắp.

Sạp quần áo cũng đa sắc, đủ màu. Nhưng với người dân, món hàng ấy thường được mua mỗi dịp lễ Tết, vào đầu năm học của con, hay thời khắc chuyển mùa cần sắm đồ mới.

Ấm áp phiên chợ quê - Ảnh 3.

Khung cảnh chợ quê

Ở vùng quê nhưng phiên chợ quê tôi vẫn đủ đầy, từ thứ rẻ nhất đến đắt nhất. Người bán, kẻ mua cũng không mặc cả, chanh chua, "nói thách" nhiều. Người quê tôi họ hiểu rõ hoàn cảnh của nhau, mua bán lấy công làm lãi, trao nhau ân tình và cái hẹn "lần sau quay lại mua nữa" là đủ.

Phương tiện đi chợ lúc bấy giờ chủ yếu là xe đạp. Tôi vẫn nhớ hình người mẹ đèo con liêu xiêu trên chiếc xe đạp từ sáng sớm lên chợ. Các cụ già quê tôi nếu còn nhanh nhẹn thường có thói quen đi bộ lên chợ, tranh thủ gặp ai đi xe dọc đường một mình thì sẽ vẫy tay xin đi nhờ.

Độ 20 năm về trước, ông nội tôi nổi tiếng trong "làng các cụ đi chợ" nhờ đôi chân dài chắc khỏe. Việc đi bộ vài cây số đối với ông là niềm vui. Năm lên 8, lên 10, ông thường bảo tôi đạp xe lên chợ trước, ông đi bộ theo sau. Ấy vậy mà chẳng phải đợi chờ lâu, hai ông cháu đã gặp nhau ở chợ.

Bà tôi mất sớm, ông là người dạy tôi cách chọn lựa thực phẩm, nào "rau xem lá, cá xem mang", nào "lợn cả, cá lớn". Ông nói, phòng trường hợp nếu có đi một mình thì tôi cũng biết đường mua bán. Xong xuôi, tôi đạp xe mang đồ ăn về trước, ông nội rảo bước theo sau.

Ngày hè, bố mẹ ra đồng, việc đi chợ của tôi diễn ra thường xuyên hơn. Người lớn đã vất vả mang thóc lúa về, nhiệm vụ của mấy chị em, ông cháu trong nhà là lo bữa cơm tươm tất. Cơm ngày mùa bao giờ cũng được cải thiện hơn. Bát canh cua, vài quả cà pháo muối xổi, đĩa tôm đồng rang đỏ chót hay nồi khá diếc kho giềng thơm nức... ngần ấy đủ để xua đi cái nóng bức, mệt mỏi của người nông dân đương vụ.

Những phiên chợ ngày mùa thường mở và đóng cửa sớm hơn. Vì người bán hàng chỉ tranh thủ ngồi chợ bán một lúc rồi còn ra đồng. Những nhân vật chính của phiên chợ là các mẹ thì nay cũng chẳng thể bỏ việc đồng áng mà lên chợ được.

Ấm áp phiên chợ quê - Ảnh 4.

Phiên chợ quê những ngày mùa đông

Mùa đông kéo đến, người ta vẫn đi chợ nhưng nhịp độ có phần nhẹ nhàng, ảm đạm hơn. Trong tiết trời se lạnh, tôi vẫn thấy các bà, các mẹ vấn khăn, trùm kín đầu và cổ lên chợ mua con cá về nấu bát canh chua nóng hổi, ăn kèm với rau sống nhà trồng, hay mớ rau cần đem xào nhiều tỏi, dăm ba lạng thịt để nấu đông ăn dần cả tuần.

Cuối tháng Chạp, cơn gió lạnh chùng chình mang theo hương sắc nào chậu quất, cành đào, hay khóm cúc vàng rực. Dịp này, nhà nào nhà nấy đều đi chợ, có khi 3-4 phiên mới mua sắm đủ đồ cho gia đình. Phiên chợ trở nên tấp nập hơn. Dòng người qua lại, súng sính bán mua trong niềm hân hoan, phấn khởi. Chợ quê cứ thế ấm dần lên. Mẹ mua đồ về bày mâm ngũ quả, thực phẩm cho mấy ngày Tết; bố đi chọn đào, quất; còn đám trẻ con thì cứ thế bám đuôi người lớn đi chợ đến mấy lần.

Có những năm đám trẻ trong xóm tôi rủ nhau đi bộ lên chợ ngày Tết. Xin được vài nghìn lẻ của bố mẹ, ấy thế mà cũng hứng khởi ra trò. Lặn lội lên chợ, mua được đôi ba quả bóng đủ hình dạng, vừa về đến nhà, bóng nổ "bụp" một cái, đi tong mấy nghìn bạc, thế nhưng chúng tôi vẫn thích chí cười vui.

Niềm vui của con trẻ những ngày chợ Tết giản dị lắm. Chẳng cần quà bánh gì cao sang, được hòa mình vào bầu không khí ấy là đủ hạnh phúc rồi. Niềm vui của người lớn cũng giản đơn, chỉ cần mua sắm đầy đủ để cả gia đình được sum họp trọn vẹn dịp Tết đến, xuân về.

Ấm áp phiên chợ quê - Ảnh 5.

Phiên chợ ngày Tết tấp nập người bán, kẻ mua

Phiên chợ quê bây giờ, kẻ bán người mua tấp nập hơn xưa. Người xa quê lâu ngày như tôi vẫn khát thèm được trở về, đắm chìm trong bầu không khí yên bình mà rất đỗi sống động của phiên chợ, bởi nơi ấy đã "nuôi lớn" tôi cả về thể chất lẫn tâm hồn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.