Những nụ cười trở lại ở ngôi trường mang tên Hy Vọng

27/08/2022 20:58
Những giây phút vui đùa hồn nhiên của các em sau giờ học

Những giây phút vui đùa hồn nhiên của các em sau giờ học

Vừa tan trường trở về nơi ở, bé Lưu Gia Linh (6 tuổi), học sinh nhỏ tuổi nhất của trường sà ngay vào vòng tay của cô Ái, cô quản sinh mà bé gần gũi nhất, nở nụ cười hạnh phúc khoe "hôm nay con được điểm 10".

Gia Linh cùng anh trai Lưu Đức Hòa (7 tuổi) đều được học, nuôi dưỡng, chăm sóc tại trường Hy Vọng (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). "Con rất vui khi đến trường, vui nhất là được chơi, được tập hát cùng nhiều anh chị. Các chị cùng con vẽ tranh mỗi tối, rồi còn giúp con học bài. Con vui khi sống ở ngôi trường này", Linh cười nói.

Không còn những hình ảnh rụt rè, lạ lẫm hay ánh mắt ngại ngùng như ngày đầu đặt chân đến trường, trên gương mặt 200 em nhỏ không may mất cha, mẹ trong đại dịch COVID-19 từ khắp 41 tỉnh, thành phố trong cả nước giờ đây là những ánh mắt nụ cười rạng ngời sau những giờ lên lớp và sống trong tình thương của trường Hy Vọng.

Những nụ cười trở lại ở ngôi trường mang tên Hy Vọng - Ảnh 1.

Giờ tự học và đọc sách

Mất cha trong đại dịch, gia đình còn mẹ và anh trai, tính đến hôm nay, Trần Ngọc Huy (14 tuổi, TPHCM), hiện là học sinh lớp 9, đã đến trường Hy Vọng được 3 tuần. Chưa bao giờ em đi xa thành phố nên ban đầu cũng thấy lạ lẫm và nhớ mẹ nhưng giờ đã dần quen và bắt nhịp với môi trường mới.

"Ở đây điều kiện ăn ở tốt lắm, được thầy cô quan tâm, động viên nên con đã hòa nhập nhanh. Ngoài giờ học con còn được đi tắm biển, tham gia chăm sóc vườn rau và chơi thể thao với các em, các bạn. Chúng con được nhà trường tổ chức ăn uống, sinh hoạt nền nếp. Các bữa ăn được bảo đảm, chúng con không phải lo lắng về cái ăn, cái mặc, được học tập đầy đủ, chu đáo", Huy trải lòng.

Theo ghi nhận tại trường, các em được chia thành "tiểu đội" 12 người và việc quản lý được giao cho từng giáo viên. Sự phân chia này sẽ giúp các em quản lý, bảo ban nhau dễ hơn theo từng nhóm. Mỗi buổi sáng các em sẽ dậy lúc 5h30, tập thể dục và vệ sinh cá nhân, chuẩn bị cho một ngày mới. 

Bạn nhỏ nhất ở đây đang học lớp 1 cũng sinh hoạt theo nếp như các anh chị lớn tuổi. Mỗi chiều trở về các em tập thể thao, chăm sóc vườn rau. Buổi tối, các em được sử dụng điện thoại để gọi điện cho gia đình, người thân của mình.

Những nụ cười trở lại ở ngôi trường mang tên Hy Vọng - Ảnh 2.

Không gian sinh hoạt của các em trường Hy vọng được thiết kế theo kiến trúc mở, nhiều mảng xanh, phù hợp với cầu học tập và vui chơi, hoạt động của học sinh

Tại đại gia đình Hy Vọng, em Trần Quang Bảo  (18 tuổi, TPHCM)  được xem là người "anh cả", em là học sinh đầu tiên của Hope School đi thi tốt nghiệp THPT, hạnh phúc nhất vừa qua Bảo vừa hoàn thành thi tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào Đại học FPT Đà Nẵng với thành tích Top 10 thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất.

Em Trần Quang Bảo chia sẻ, ngày đi thi thật đặc biệt và khó quên trong cuộc đời em, thay vì có gia đình bên cạnh thì thầy cô nơi đây đã đưa đón, động viên, hỏi thăm trong suốt quá trình ôn thi.

"Khi nhận được tin tuyển sinh với điểm số cao, thì người đầu tiên Bảo báo tin niềm vui này là thầy Quyền (Giám đốc Dự án Hope School). Với em, thầy như là người cha, người mẹ luôn bảo ban, hướng dẫn cho em những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, ươm mầm những ước mơ", Bảo chia sẻ.

Bảo chia sẻ về nguyện vọng của mình: "Em chọn học truyền thông đa phương tiện trước hết là muốn lan tỏa, kết nối yêu thương tới mọi người trong xã hội, chia sẻ những câu chuyện tốt đẹp ở cuộc sống này mà bản thân em là một minh chứng để trẻ em thiệt thòi trong cuộc sống tin tưởng vào những điều tốt đẹp luôn ở xung quanh mình".

Những nụ cười trở lại ở ngôi trường mang tên Hy Vọng - Ảnh 3.

Các em tíu tít kể lại những niềm vui trên lớp cho thầy cô nghe

Vừa tan trường, "tiểu đội trưởng" Nguyễn Thiện Minh (14 tuổi) tất bật chạy trong sân nhắc nhở các em xếp hàng, điểm danh, cùng tập luyện cho ngày hội tới trường sắp diễn ra. Qua trò chuyện, được biết em Minh sinh ra trong gia đình có truyền thống theo nghề y từ ông bà đến bố mẹ, trong đại dịch, cả gia đình em đã cống hiến hy sinh rất nhiều cho công tác cứu chữa các bệnh nhân COVID-19. 

Giờ đây, chỉ còn bố, trong Minh luôn thôi thúc ước mơ làm bác sĩ được tiếp tục theo đuổi công việc y đức của gia đình mình. "Em chắc chắn làm được", ánh mắt sáng, khuôn mặt của Minh thêm rắn rỏi, tự tin hơn khi nói về ước mơ của mình.

Gần đó, "tiểu đội trưởng" xông xáo Huỳnh Thị Nhã Trân (17 tuổi, đến từ Đồng Tháp) cũng đang cùng các bạn tích cực tập luyện tiết mục "người gieo mầm xanh" biểu diễn trong ngày trong ngày hội tới trường. 

Nhã Trân chia sẻ: "Em vào trường được gần 1 tháng. Trước đó em đã tìm hiểu kỹ về môi trường sống, học tập tại Hope School nên cũng bớt bỡ ngỡ và cố gắng sớm thích nghi, làm quen cùng các bạn. Trong 2 năm lớp 11 và 12 này, em tập trung vào các môn Toán, Lý, tiếng Anh (khối A1), để đạt được mục tiêu là trở thành Công an bảo vệ mọi người", cô gái bé nhỏ chia sẻ.

Những nụ cười trở lại ở ngôi trường mang tên Hy Vọng - Ảnh 4.

Giờ học của các em diễn ra sôi nổi

Tháng 9/2021, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Trường Hy Vọng, đã khởi xướng ý tưởng xây dựng một ngôi trường dành cho các em nhỏ mất cha, mẹ do dịch COVID-19.

Tròn một năm, Trường Hy Vọng (tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã hình thành và đón nhận 200 học sinh đầu tiên trong năm học 2022-2023, chính thức khởi động sứ mệnh trở thành một ngôi trường nơi các em được chăm sóc, yêu thương, học tập và rèn luyện, từ đó trưởng thành và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Để sứ mệnh hoàn thiện trọn vẹn, bên cạnh nguồn lực của Hội đồng sáng lập gồm Tập đoàn FPT, quỹ Hy Vọng - Hope Foundation, nhà trường còn đón nhận sự quan tâm, chung tay của nhiều doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và cá nhân cùng mong muốn mang đến những điều kiện nuôi dưỡng và yêu thương đủ đầy nhất đến với các em.

Sự song hành về tình yêu thương của xã hội và điều kiện học tập, giáo dục của nhà trường chính là hai cột trụ nền tảng cho sự phát triển toàn diện về thân, tâm, trí cho các em học sinh, với hy vọng các em sẽ trở thành những cá nhân có ích cho xã hội mai sau ở nhiều lĩnh vực.

Hy Vọng không chỉ là nơi để các em học sinh được đến trường, được học tập và phát triển toàn diện, mà hơn hết nơi đây chính là ngôi nhà tràn ngập tình yêu thương ấm áp dành cho những em nhỏ đã chịu mất mát của đại dịch COVID-19.

Những nụ cười trở lại ở ngôi trường mang tên Hy Vọng - Ảnh 6.

Kết thúc mọi ngày học tập, các em sẽ quây quần bên mâm cơm, vừa ăn vừa tâm sự với nhau những câu chuyện nhỏ sau một ngày dài

Trong cuộc thăm hỏi, nói chuyện với thầy và trò Trường Hy Vọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tập đoàn FPT đã có sáng kiến, hành động nhanh chóng, khẩn trương triển khai mô hình Trường Hy Vọng vì tương lai của các em với phương châm "yêu thương là hành động" và nhiều đơn vị, cá nhân đã chung tay tài trợ khác đã dành những quyển sách, những ly sữa đầy tình người, ủng hộ về mặt vật chất và tinh thần cho các em.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn