Xuất hiện "tà giáo" lạ: Vạch trần những thủ đoạn lôi kéo người dân

30/09/2021 11:48
Công an xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé, Điện Biên) vận động người không nghe theo kẻ xấu lôi kéo tham gia các đạo trái phép. Ảnh: Lê Dung

Công an xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé, Điện Biên) vận động người không nghe theo kẻ xấu lôi kéo tham gia các đạo trái phép. Ảnh: Lê Dung

Các tổ chức tà đạo hay tà giáo thường lôi kéo người già, người rảnh rỗi hay đang mắc bệnh nan y, dễ bị dụ dỗ tin theo, sinh hoạt theo tâm lý đám đông rồi từ đó trở thành thành viên nhiệt tình cho một hiện tượng, một phong trào tôn giáo mới...

Thường lôi kéo người già

Những ngày vừa qua, bên cạnh "Hội thánh Đức chúa trời mẹ", giáo phái mang tên "Ân điển cứu rỗi" đã xuất hiện tại một số tỉnh thành, trong đó có Hà Nội. Giáo phái này sử dụng những luận điệu tuyên truyền cực đoan, cổ vũ cho lối sống phóng túng, buông thả, tha hóa về đạo đức, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ gia đình.

Trước những tác động gây nguy hại của giáo phái này cho xã hội, trao đổi với PV Báo PNVN, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban Tôn giáo TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, lợi dụng dịch Covid-19, một số giáo phái đã lén hoạt động trên địa bàn Hà Nội.

Ông Dũng cho biết, người dân cần phải cảnh giác cao độ với hình thức biến tướng của các "tà đạo", những "tà giáo" này có thể là vỏ bọc của lừa đảo, kiếm tiền trên sự kém hiểu biết của người khác.

Ông Dũng cho biết, các tổ chức này thường lôi kéo người già, người rảnh rỗi hay đang mang bệnh nan y, dễ bị dụ dỗ tin theo, sinh hoạt theo tâm lý đám đông rồi từ đó trở thành thành viên nhiệt tình cho một hiện tượng, một phong trào tôn giáo mới. Người trẻ ít gặp hơn nhưng cũng không phải là không có.

Nhắc đến "tà đạo", chúng ta thường nghĩ nó liên quan đến ma quỷ, cúng bái cực đoan, thực hành các hành động kỳ quái… Tuy nhiên, thực tế "tà đạo" không vận hành lộ liễu như vậy mà biểu hiện rất tinh vi, phức tạp. Trước những thực trạng hiện nay của vấn đề "tà đạo" gây nhức nhối trong cộng đồng, nhằm vạch rõ bản chất của "tà đạo", ông Dũng cho biết, những biểu hiện, cách thức hoạt động nhằm mục đích "tẩy não" mà các đối tượng xấu lợi dụng "tà đạo" đang vận hành, nhan nhản trên các trang mạng, diễn đàn, hội nhóm phổ biến trên các nền tảng trực tuyến như facebook, zalo, telegram, messenger, instagram, lotus, mocha, gapo, tiktok, zoom…

Hà Nội xuất hiện nhóm "tà đạo" lạ, hoạt động ma mị: Giáo chủ "nổ" được Trời phái xuống - Ảnh 1.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban Tôn giáo TP Hà Nội

Nguyên nhân bởi vì nếu các đối tượng xấu lợi dụng "tà đạo" đăng ký hoạt động như một tổ chức, một hội đoàn tôn giáo chính thức thì bị kiểm soát bởi cơ quan chức năng quản lý nhà nước. Chính vì thế môi trường internet và nền tảng mạng xã hội là môi trường màu mỡ cho đối tượng xấu hoạt động dưới hình thức "tà đạo".

Giáo chủ "nổ" được Trời phái xuống...

"Tà đạo, không bao giờ tự nhận chúng là "tà đạo" không liên quan đến ma qủy, thay vào đó nó sẽ sử dụng những từ ngữ tích cực để mê hoặc như: "Thiện", "Thiền" "chữa lành", "lạc quan", "sống chủ động", "tiềm thức", "năng lượng vũ trụ", "năng lượng gốc", năng lượng trường sinh" "tế bào não", "tần số rung động", "tần số", "truyền năng lượng", "lượng tử", "vận công" phong thủy, mối tương quan giữa con người - vũ trụ, chữa bệnh bằng năng lượng, không dùng thuốc.

"Một số từ trong những từ này có ý nghĩa khoa học, một số khác hoàn toàn bịa ra, vô nghĩa. Những từ có ý nghĩa khoa học khi bị "tà đạo" đánh cắp, chúng thay đổi hoàn toàn nghĩa và chỉ sử dụng như một vỏ bọc để tung hỏa mù thu hút nạn nhân. Sau đó chúng tuyên bố khoa học không cao siêu bằng chúng. Ngôn ngữ của "tà đạo" nghe có vẻ rất cao siêu nhưng thực ra rỗng tuếch và lệch lạc", ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết thêm, các nhóm "tà đạo" này thường hướng dẫn thờ cúng theo cách chép tay hoặc đánh máy, sau đó đem đi photocopy để phổ biến rộng rãi hoặc truyền miệng. Nhiều nhóm "tà đạo" còn quay video đăng tải trên các trang web, mạng xã hội việc thực hành thờ cúng, hướng dẫn đọc kinh sách để tăng cường truyền bá trong xã hội.

Ngoài ra, đối tượng lợi dụng "tà giáo" thường có những biểu hiện hay phô trương thanh thế, xây dựng hình ảnh trái ngược với người thực hành tâm linh chân chính. Đa phần hình ảnh thường ma mị, bất chính, kỳ quái, khó hiểu.

Bên cạnh đó, để thu hút người tin theo, đối tượng thường sử dụng các mạng xã hội, lập các nhóm kín, group không công khai, chỉ có những người tin theo mới được đăng ký thành viên để chia sẻ các video thực hành thờ cúng, vẽ bùa chú, hướng dẫn tu tập, chữa bệnh bằng năng lượng, yểm bùa, bắt ma.

Đa phần các giáo chủ sẽ thu hút tín đồ tin theo qua việc tự nhận được Trời, Phật, các đấng siêu nhiên chỉ dụ, sắc phong, báo mộng... được phái xuống trần thế, được giao sứ mệnh trở thành người lãnh đạo, dẫn dắt, giác ngộ con người nên có được sức mạnh siêu nhiên như có thể "giao tiếp" với các đấng thần linh, các vong linh người đã mất, có năng lực chữa bệnh bằng năng lượng, bằng phù chú, có khả năng giúp người dân tìm lành tránh dữ.

Như đã đề cập ở trên, "tà đạo" thường có hệ thống kinh sách và thờ cúng sơ khai, đơn giản. Kinh sách chủ yếu được tự sáng tác dưới dạng thơ, văn vần, dễ đọc dễ thuộc, giáo lý mang màu sắc "đa tôn giáo", vay mượn khái niệm, hình tượng của các tôn giáo, lồng ghép hình tượng tín ngưỡng truyền thống, mượn hình ảnh một số anh hùng dân tộc để thực hành dễ dàng, đơn giản, hình thức thờ cúng sơ khai, nhiều khi chỉ cần bát hương...

Nhóm "tà đạo" này thường lỏng lẻo, nửa công khai, nửa bí mật. Những nhóm "tà đạo" bao giờ nó cũng che dấu thông tin là do ai sáng lập ra, địa chỉ, số điện thoại, chức danh, lịch sử hoạt động của giáo chủ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn