Muôn kiểu lừa buôn bán người qua biên giới

19/06/2021 11:06
Tuyên truyền cho nhân dân về các địa chỉ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người

Tuyên truyền cho nhân dân về các địa chỉ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người

Quen nhau trên mạng xã hội sau đó bị lừa bán, nghe theo lời rủ rê đi chơi bị lừa bán, đi thăm người thân bị đánh thuốc mê rồi đem đi bán, rủ đi làm thuê rồi bị mang đi bán…Đó là trong số vô vàn các lý do mà các cô gái trẻ bị lừa bán tại các vùng biên giới. Điểm đến của những "món hàng" là Trung Quốc.

Facebook đưa những cô gái đi xa

Làm quen và kết bạn với một người trên facebook với lý do đơn giản, ảnh đại diện là một gương mặt đẹp trai. 4h sáng ngày 17/12/2018, Pao – 15 tuối, trốn khỏi trường nội trú lên 1 chiếc xe taxi. Cô không biết mình đang bắt đầu cuộc hành trình trở thành món hàng được bán sang bên kia biên giới.

May mắn, tài xế taxi nghi cô đang bị lừa bán nên đã chủ động liên hệ cho Công an huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên giải cứu. Đối tượng lừa bán Pao không hề lộ diện, chỉ liên lạc qua điện thoại và thuê xe taxi đến đón cô.

"Cháu chơi qua facebook, anh ta bảo anh ta ở Sapa. Anh ta để ảnh đại diện đẹp trai. Cháu không biết anh ta là loại người như thế nên cháu mới tin anh ta. Lần đầu tiên bị lừa như thế nên cháu cám thấy rất buồn", Pao nói.

Làm quen và kết bạn trên facebook, sau đó bị lừa bán; nghe theo lời rủ rê đi chơi, bị lừa bán; đi thăm người thân, bị đánh thuốc mê, bị đem đi bán; được rủ đi làm thuê, rồi bị lừa bán hay bị chính người yêu đem đi bán. 

Muôn kiểu lừa buôn bán người qua biên giới - Ảnh 1.

Một nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc được giải cứu trở về

Trong vụ việc khác, một tài xế Trung Quốc đã báo cho lực lượng chức năng, giúp cho 2 người Việt được trở về với gia đình. Nạn nhân thậm chí còn mang theo con nhỏ qua biên giới. Ngay khi biết mình bị lừa bán, họ đã chống trả quyết liệt với các đối tượng. Chu , 1 trong 2 nạn nhân kể lại: "Khi sang bên kia cửa khẩu Trung Quốc, biết mình bị lừa bán nên chúng em sợ, giằng co không đi. Thấy vậy mấy người kia liền đánh và lôi chúng em đi".

"Bạn ấy mô tả là mình đứng chắn ngang hai tay ở đầu chiếc xe. Chiếc xe tải dừng lại, anh lái xe sau đó mới xuống. Do bất đồng ngôn ngữ nên anh tài xế Trung Quốc không biết bạn ấy muốn gì. Bạn này cứ ôm chân của anh tài xế và khóc thôi"– bà Vì Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên miêu tả lại rõ hơn câu chuyện của Chu đã trải qua.

Trên đây chỉ là những câu chuyện điển hình liên quan đến nạn mua, bán người đang diễn ra tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

Trung tá Đàm Văn Thành, Trưởng ban Điều tra, hòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên thừa nhận: "Các đối tượng giả danh là cán bộ Công an, biên phòng đăng những hình đại diện rồi lừa gạt, dụ dỗ những cô gái, cháu nhỏ ở khu vực biên giới, nhẹ dạ cả tin, đưa sang nước ngoài, có thể làm gái mại dâm hoặc là làm lao động cho các đối tượng nước ngoài".

Trong thực tế, nhiều nạn nhân sau khi bị lừa bán ra nước ngoài luôn tìm cách để liên lạc về gia đình, người thân khi có cơ hội để từ đó thông báo đến các cơ quan chức năng giúp đỡ, giải cứu và tố giác tội phạm.

Muôn kiểu lừa buôn bán người qua biên giới - Ảnh 2.

Đối tượng Hầu Tử Quốc phạm tội mua bán người tại Việt Nam

Nhưng trớ trêu, nhiều vụ việc không thể xác minh được mối quan hệ giữa đối tượng và nạn nhân. Các đối tượng liên lạc với nạn nhân thông qua điện thoại di động, các mạng xã hội như Zalo, facebook... Sau khi đạt được mục đích thì bỏ số điện thoại và lập các tài khoản mạng xã hội khác.

Và tội phạm mua, bán người thì vẫn như những bóng ma, tiếp tục săn tìm con mồi nơi rẻo cao.

Nạn nhân chủ yếu bị lừa bán sang Trung Quốc

Tập hồ sơ lưu ở Đội Cảnh sát điều tra, Công an huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên có một vụ án hình sự đáng chú ý.

Hồ sơ ghi, hồi 22h ngày 12/12/2017, Công an huyện Tủa Chùa phối hợp cùng lực lượng chức năng Công an tỉnh Điện Biên đã triệt phá thành công chuyên án 217P, bắt quả tang 3 đối tượng đang lừa Sùng Thị Vang (sinh năm 1995) và Thào Thị Pằng (sinh năm 1992) đều trú tại địa phương sang Trung Quốc. 1 trong 3 đối tượng được xác định là Hầu Tử Quốc (sinh năm 1988 - trú tại huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam , Trung Quốc).

Với việc thâm nhập sâu vào nội địa của những kẻ buôn người mang quốc tịch Trung Quốc, sự cấu kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước làm cho đường đi của "món hàng người" thêm phức tạp. Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận, nạn nhân bị lừa bán không khác gì món hàng. Sau khi qua biên giới, họ còn tiếp tục bị bán trao tay cho chủ khác.

"Tùy theo nạn nhân là xấu hay đẹp, trẻ hay già sẽ định giá. Chúng khai nếu trẻ và đẹp thì được giá cao, khoảng 60 - 70 triệu/người. Nếu xấu hoặc già thì chỉ được khoảng 20 - 30 triệu/người. Đối tượng mua người này rồi mang đi bán tiếp theo như thế nào thì các đối tượng không biết", Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra, Công an huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên - Trung tá Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay.

Muôn kiểu lừa buôn bán người qua biên giới - Ảnh 2.

Đại tá Phạm Mạnh Thường, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an

Trước đó, tại buổi Hội thảo có nội dung liên quan đến hoạt động phòng, chống mua bán người được tổ chức tại tỉnh Lạng Sơn, Trung Quốc được chỉ rõ là điểm đến của phần lớn nạn nhân. Theo Bộ Công an, tính từ năm 2016 đến năm 2020, đã có 2.319 người (chiếm khoảng 87%) tổng số nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc, bắt 1.106 đối tượng phạm tội mua bán người. Các địa phương phát hiện nhiều là các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, gồm: Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Quảng Ninh...

Trao đổi bên lề hội thảo, Đại tá Phạm Mạnh Thường, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, việc phối hợp mở chiến dịch tấn công tội phạm mua, bán người từ 1/7 - 31/10/2019 giữa Bộ Công an 3 nước: Lào, Campuchia và Việt Nam nên thời gian qua đã phát hiện nhiều đường dây.

"Mua bán phụ nữ, đưa từ Campuchia, từ Việt Nam sang Trung Quốc rồi thậm chí là mang thai sang Trung Quốc bán trẻ em. Số người này sau khi bị dụ dỗ, bị các đối tượng lừa gạt, vận chuyển và bàn giao cho đầu mối mua với mục đích là kiếm tiền" – đại diện Cục Cảnh sát hình sự nhận định.

Hoạt động mua bán người được đánh giá là siêu lợi nhuận, nổi lên tại khu vực là tội phạm mua bán người sang Trung Quốc. Trong khi đó, sự khác nhau về chính sách pháp luật, ngôn ngữ là rào cản về phối hợp giữa lực lượng chức năng Việt Nam-Trung Quốc trong xác minh, điều tra các vụ án liên quan đến mua bán người.

Báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an còn cho biết, tiến độ triển khai các nội dung trong Kế hoạch ưu tiên phối hợp thực hiện Hiệp định song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 và từng năm nhìn chung còn chậm. Tiêu chí xác định nạn nhân chưa được thống nhất nên nhiều người dân bị lừa bán sang Trung Quốc dưới dạng cưỡng bức lao động, cưỡng ép kết hôn, mua bán nội tạng... vẫn chưa xác định là nạn nhân bị mua bán.

Ngoài ra, tình hình xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động thời vụ và di cư tự do dọc biên giới của đồng bào dân tộc diễn ra phức tạp, mỗi năm có hàng trăm nghìn người tiềm ấn nguy cơ bị mua bán.

* Tên các nạn nhân đã được thay đổi

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn