Những hệ lụy của tảo hôn thời internet phủ sóng ở bản: (Bài cuối): Lấy nhanh, bỏ chóng và chuyện làm khai sinh cho con

12/09/2022 08:00
Giàng Y Lơ, sinh năm 2005, ở bản Hang Kia (xã Hang Kia), lấy chồng đầu năm 2022

Giàng Y Lơ, sinh năm 2005, ở bản Hang Kia (xã Hang Kia), lấy chồng đầu năm 2022

Chuyện một chàng trai người Mông đứng bên bờ rào đá của nhà cô gái thổi khèn 7 đêm tỏ tình giờ chỉ còn trong ký ức của nhiều người. Thời internet về bản, mạng xã hội phát triển, thấy ưng nhau là chàng trai dùng xe máy chở cô gái về nhà. Nhưng lấy nhau dễ dàng bao nhiêu, việc bỏ nhau của nhiều "đôi vợ chồng nhí" cũng nhanh bấy nhiêu.

Ông Khà A Lau, Chủ tịch UBND xã Hang Kia (huyện Mai Châu, Hòa Bình), cho biết: "Năm nào trong xã cũng xảy ra vài trường hợp tảo hôn. Chính quyền xã đã tuyên truyền và vận động nhiều nhưng tình trạng này chưa thể chấm dứt trong ngày một ngày hai".

Nói đến chuyện tảo hôn, có lẽ 2 cán bộ tư pháp của xã Hang Kia nắm rõ. Anh Giàng A Tráng đã tham gia lĩnh vực tư pháp xã từ nhiều năm nay. Cũng là người Mông nên anh hiểu "cái lệ" ở đây, trai gái thường thích lấy vợ, lấy chồng sớm. Nhiều gia đình mong con cái mình yên bề gia thất sớm. Đời nọ nối đời kia, cứ theo "cái lệ" đó mà làm, nên việc vận động các dòng họ tham gia đẩy lùi tảo hôn vẫn chưa có hồi kết.

Lấy nhanh, bỏ nhau cũng chóng

Các "cô dâu nhí" đều ở độ tuổi đi học. Khi rời ghế nhà trường về nhà chồng, các "cô dâu nhí" này không biết là vợ phải làm những gì nên chưa thể quán xuyến công việc của nhà chồng. Khi cuộc hôn nhân không suôn sẻ hoặc bị đè nén trong thời gian ở nhà chồng, nhiều cô gái đã không chịu nổi, bỏ về nhà mẹ đẻ. Ở Hang Kia có không ít trường hợp, các "cô dâu" mang thai rồi bỏ chồng, về nhà mẹ đẻ. Chuyện của Khà Y Mỷ, 14 tuổi, sinh con một mình tại Trạm y tế xã Hang Kia, đã để lại bao nỗi xót xa. Khà Y Mỷ đã lấy chồng được 2 năm. Nhà chồng Mỷ ở bản Lũng Xá, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Chồng Mỷ hơn Mỷ 2 tuổi.

Lấy chồng khi tuổi đời còn quá trẻ nên Mỷ chỉ biết mình phải về ở nhà người khác. Người ta cứ bảo lấy chồng là sướng nhưng với Mỷ là chuỗi ngày lo âu và buồn chán. Chồng Mỷ cả ngày chỉ "cày game". Một thân một mình ở nhà chồng, Mỷ chẳng biết kêu ai. Mỷ sống âm thầm như cái bóng. Sau 2 năm, Mỷ mang thai, không thể đi làm thuê cùng mẹ chồng được nữa. Việc nương, việc rẫy cũng theo đó mà bị trễ nải. Khi sắp đến ngày sinh nở, Mỷ bị nhà chồng đuổi về nhà mẹ đẻ. Mẹ của Mỷ một mình nuôi mẹ già và các em của Mỷ. Đến ngày sinh nở, Mỷ ra trạm y tế xã sinh con. Do còn quá trẻ, Mỷ không biết chuẩn bị đồ đạc gì để đón đứa con chào đời, phải nhờ các cô y tá ở xã lo cho mẹ con Mỷ. Cuộc "vượt cạn" thành công, đứa trẻ vừa chào đời, gia đình nhà chồng đã đến đón con của Mỷ đi. Nhìn họ ôm con đi mà Mỷ bất lực, không làm được gì.

Giờ Mỷ ở với mẹ đẻ, sống thui thủi một mình trong cái lán nhỏ. Mỷ còn quá trẻ và cũng thiếu kiến thức làm mẹ. Cô y tá của Trạm y tế xã ngày ngày vẫn đến động viên, hướng dẫn Mỷ vắt sữa bỏ đi cho đỡ tức hai bầu vú.

Những hệ lụy của tảo hôn thời internet phủ sóng ở bản- Lấy nhanh, bỏ chóng và chuyện làm khai sinh cho con (Bài cuối) - Ảnh 1.

Cán bộ tư pháp xã Hang Kia (huyện Mai Châu, Hoà Bình) hướng dẫn người dân làm thủ tục khai sinh cho con

Tìm mẹ để làm giấy khai sinh cho con

Những "cặp vợ chồng nhí" về ở với nhau được một thời gian, nếu thấy hợp nhau thì tiếp tục nấu cơm chung. Đôi nào không ở được với nhau, họ bỏ nhau cũng nhẹ tựa lông hồng. Nhà trai thấy con dâu "lười làm" hoặc sau 1-2 năm chưa sinh được con, họ tìm cách thoái thác và đẩy "con dâu" về nhà mẹ đẻ. Lấy nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn nên đôi trẻ chỉ có sự đồng ý của hai bên gia đình, chưa được pháp luật công nhận.

Nhiều đôi "vợ chồng" ở với nhau được một thời gian thì có con, khi bỏ nhau, nếu như phía nhà chồng muốn giữ đứa con thì con dâu phải về nhà mẹ đẻ tay không. Vấn đề phát sinh khi làm giấy khai sinh cho đứa con chung của họ. Anh Giàng A Tráng, người giải quyết thủ tục này, từng chứng kiến nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Những đứa trẻ có bố mẹ tảo hôn khi đến tuổi đi học, bố mẹ chúng mới ra UBND xã đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh cho con. Tuy nhiên, có những đứa trẻ mà bố mẹ bỏ nhau, con về ở với bố nhưng hộ khẩu vẫn theo mẹ. Trong khi đó, mẹ của chúng đi lấy chồng khác ở xa. "Nhiều trường hợp người mẹ lấy chồng xa, chúng tôi liên hệ cả tháng, thậm chí cả năm trời mà chưa đến giải quyết. Việc này dẫn tới việc đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi khi đến tuổi đi học mà chưa giải quyết xong thủ tục làm giấy khai sinh", anh Tráng cho biết.

Theo anh Tráng, đến nay, xã Hang Kia còn 62 trẻ chưa được làm giấy khai sinh, trong đó có 56 trường hợp là do bố mẹ tảo hôn và 6 trường hợp chưa đến làm thủ tục.

Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, Ban chỉ đạo công tác Dân số-Kế hoạch và gia đình huyện Mai Châu đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc thực hiện các chính sách dân số trong tình hình mới. Tại các xóm, các dòng họ xây dựng quy ước, hương ước về phòng, chống tảo hôn. Đội ngũ cộng tác viên dân số thường xuyên rà soát, thống kê số lượng trẻ ở độ tuổi vị thành niên tại địa bàn để tuyên truyền, vận động các em không tảo hôn; phối hợp với các trường học tổ chức hoạt động tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, tảo hôn và những hệ lụy từ tảo hôn… Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn của đồng bào dân tộc Mông tại các xã Hang Kia và Pà Cò của huyện vẫn xảy ra, chủ yếu là trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 17.

"Tình trạng này là do thói quen đã ăn sâu vào suy nghĩ bao đời của đồng bào người Mông. Biết là khó nhưng chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cũng như các giải pháp để nỗ lực ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn ở địa phương", ông Khà A Lau, Chủ tịch UBND xã Hang Kia, cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.