Lên Đông Giang khám phá những đồi chè và tìm hiểu đời sống văn hóa của đồng bào vùng cao

15/03/2022 15:42
Du khách nước ngoài tham quan đồi chè và trải nghiệm hái hè

Du khách nước ngoài tham quan đồi chè và trải nghiệm hái hè

Đồi chè "Quyết Thắng" ở thôn Ban Mai, xã Ba (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Đây được ví như "đồi chè Sapa" hay "đồi chè Mộc Châu" của vùng cao miền Tây xứ Quảng.

Đồi chè "Quyết Thắng" thuộc Nông trường chè Quyết Thắng (nay là Công ty Cổ phần nông lâm nghiệp Quyết Thắng Quảng Nam). Đến xã Ba, từ xa có thể thấy những luống chè tươi non nối nhau kéo dài tít tắp như tấm thảm mềm mại vắt qua các ngọn đồi. Dưới ánh bình minh, chúng tôi nhìn những lối nhỏ giữa đồi chè rộng lớn như vệt lụa uốn lượn đang hiện hữu giữa màu xanh của núi rừng. Đâu đó tiếng gió "nô đùa" trên tán lá chè hòa cùng với tiếng nói cười của những cô công nhân người Kinh và người Cơ Tu vai mang gùi đang ẩn hiện, miệt mài hái chè bỏ vào giỏ hay gùi. Xa xa, đàn bò vẫn ung dung gặm cỏ non trên những nương chè.

Trải dài hàng trăm héc ta, đồi chè Quyết Thắng xanh mướt với không gian yên bình, nhất là vào mỗi sớm tinh mơ, khi những giọt sương vẫn còn đẫm trên từng lá chè. Khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện, cảm giác như cả không gian bừng sáng, trong veo lấp lánh tựa pha lê. Đứng giữa đồi chè hít hà không khí trong lành của núi rừng vùng cao xen lẫn vào đó là hương thơm của đọt lá chè non và đón ánh nắng của một ngày mới, bạn sẽ cảm thấy thư thái, ngập tràn năng lượng.

Lên Đông Giang, khám phá những đồi chè và tìm hiểu đời sống văn hóa của đồng bào vùng cao - Ảnh 1.

Công nhân đang thu hoạch chè

Đến với đồi chè Đông Giang, du khách có thể Check in những bức ảnh đẹp ở bất cứ thời điểm nào trong ngày nhưng đẹp nhất vẫn là khi cả đồi chè đang ẩn hiện trong mây và sương mai.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau cổ phần hóa vào cuối năm 2017, công ty từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động, đầu tư máy móc, làm ăn ngày càng có hiệu quả, nhất là góp phần giải quyết lao động tại chỗ cho người dân địa phương, trong đó giải quyết hơn 70 lao động là người đồng bào dân tộc Cơ Tu. Hiện nay, công ty có gần 300ha chè xanh, trong đó có 100ha đang cho thu hoạch, gần 200ha còn lại đang được cải tạo, trồng mới. Sự phát triển của công ty đã tạo điều kiện đảm bảo đời sống cho hàng trăm lao động đồng bào Cơ Tu trên địa bàn.

Tìm hiểu đời sống văn hóa của đồng bào vùng cao

Những năm gần đây, địa danh Đông Giang đã dần xuất hiện trên bản đồ du lịch, ẩm thực của tỉnh Quảng Nam. Nhiều người cũng trở nên quen thuộc khi nghe đến cái tên Đông Giang với phong cảnh hữu tình, con người nồng hậu, mến khách cùng bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng đã làm vấn vương bao du khách gần xa. Để khám phá hết những vẽ đẹp của đồi chè Đông Giang, bạn nên tranh thủ đi vào mùa xuân hay mùa hè. Bởi khi này là mùa thu hoạch đọt non của cây chè và đồi chè cũng tươi tốt, xanh mướt hơn và hương chè cũng thơm hơn với so với những mùa còn lại.

Lên Đông Giang, khám phá những đồi chè và tìm hiểu đời sống văn hóa của đồng bào vùng cao - Ảnh 2.

Già làng Y Công có nhiều hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ Tu

Nếu có thời gian, bạn có thể ghé thăm "Bảo tàng văn hóa Cơ Tu" của già Làng Y Công (93 tuổi, trú thôn Tống Coói, xã Ba) để tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Cơ Tu hay thăm Làng văn hóa du lịch Bhờ Hôồng1 (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) để tham quan kiến trúc quần thể nhà Gươl, nhà Moong và thưởng thức những món ăn đặc sản vùng cao như cơm lam, thịt nướng, thịt rắn, măng trộn, bánh cuốt, cá liêng, rau rừng...

Gần với đồi chè là chợ Sông Vàng, nơi có nhiều hàng hóa phong phú. Bạn dễ dàng bắt gặp phụ nữ Cơ Tu gùi các nông lâm sản từ rừng, rẫy về chợ bán sớm như chuối, sim chín, chôm chôm rừng, dâu rừng, măng rừng, tổ ong… với giá rẻ bất ngờ.

Đặc biệt, để góp phần quảng bá thương hiệu chè Quyết Thắng, lãnh đạo đơn vị đã phối hợp với ngành du lịch, lữ hành, tạo một điểm dừng chân của du khách tại nông trường trong những tour tham quan, khám phá cảnh sắc, con người miền Tây xứ Quảng.

Thật thú vị, dưới chân những đồi chè cũng là chân phía Tây của Núi Chúa, trên đỉnh, có khu du dịch sinh thái Bà Nà đang ẩn hiện trong mây. Với cái lạnh nhè nhẹ, chúng tôi thưởng thức những chén trà nóng hổi mang hương vị đặc biệt của chè vùng cao Đông Giang mà cảm thấy trong người thư thái, sảng khoái, ấm áp lạ thường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.