Bố theo "tà đạo", con trai chết oan vì không được cho đi viện

31/05/2022 17:06
Các tín đồ của "tà đạo" trùm khăn nghe giảng

Các tín đồ của "tà đạo" trùm khăn nghe giảng

Thời gian qua, một số "hiện tượng tôn giáo mới" ở nước ngoài đã tìm cách xâm nhập vào Hà Nội, truyền bá, gây ảnh hưởng... khiến đời sống tôn giáo ở Thủ đô có nhiều diễn biến phức tạp.

Chết oan vì chữa bệnh bằng tàn hương, nước lã

Trao đổi với PV Báo PNVN, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban Tôn giáo TP. Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có 8 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Hồi giáo, tôn giáo Bahai, Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư Đạo, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chú Giê su Ky tô Việt Nam.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo TP Hà Nội, trên địa bàn đã có thêm 8 hiện tượng tôn giáo mới. Trong đó, 4 hiện tượng tôn giáo mới nội sinh là: Long Hoa Di Lặc, Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Hoàng Thiên Long, Giáo hội Lạc Hồng; 4 hiện tượng tôn giáo mới ngoại sinh là: Pháp môn diệu âm, Thanh Hải vô thượng sư, Nhất quán đạo, Đức Chúa trời Mẹ.

"Số tín đồ tham gia sinh hoạt khoảng gần 2.000 người. Theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, những hiện tượng này không đủ điều kiện để cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung", ông Dũng nói.

Những "tôn giáo lạ" này truyền bá những thứ trái với thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của bản thân người tham gia và gia đình họ.

Ông Dũng kể, cháu Nguyễn Hữu L. (3 tuổi, ở huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) bị tiêu chảy. Bố cháu là người theo "Long Hoa Di Lặc" nên nhất quyết không đưa cháu đến bệnh viện mà để ở nhà cầu khấn, chữa bệnh bằng tàn hương, nước lã. Cuối cùng, cháu bị chết oan uổng.

Một trường hợp khác là chị Hoàng Thị Loan (37 tuổi, ở TP Hà Nội) bị kiệt sức sau khi sinh nhưng vì nghe xúi giục, không chịu đi bệnh viện mà chỉ ở nhà cầu khấn nên đã chết sau vài ngày dùng tàn hương, nước lã.

Bên cạnh đó, một số người còn trở thành "thầy lang" chữa bách bệnh cho mọi người, phương pháp chữa bệnh mang nặng màu sắc mê tín, phản khoa học. Họ truyền đạo trái phép và "tà đạo" còn gây ra sự hoang mang trong giáo dục học đường, thậm chí cả cho các bậc phụ huynh. "Tà đạo" gửi thư tuyên truyền đến cho các em học sinh, trong thư có nội dung tuyên truyền về "ngày tận thế", về "thời mạt pháp", đe dọa nếu nhận được thư mà không viết thư hoặc tuyên truyền cho người khác thì sẽ bị rủi ro, tai nạn, có khi thiệt mạng.

Bỏ việc vì tin rằng "Đấng siêu linh" sẽ xuất hiện

Ông Dũng cho biết, các nhóm "tà đạo" này thường chọn địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung là địa điểm thuê, mượn tại các khu văn phòng, biệt thự, tòa nhà hỗn hợp tại các khu đô thị tập trung đông dân cư, để truyền bá các hoạt động phi nhân tính, phản văn hóa như: quan hệ tình dục bừa bãi, đốt các loại đồ đạc, thực phẩm, bỏ bàn thờ gia tiên, đoạn tuyệt với các sinh hoạt văn hóa và lễ hội truyền thống hoặc thậm chí tự làm tổn thương, tự tử.

"Mê đạo, nhiều người bỏ việc vì tin rằng "Đấng siêu linh" sẽ xuất hiện, lúc đó sẽ sung sướng, không làm mà cũng có ăn. Một số người cầm đầu hoặc có vai trò chủ chốt đã thu tiền tín đồ trái phép nói là để hoằng pháp nhưng lại bỏ túi riêng, "vinh thân phì gia", trái với lời rêu rao "xả phú cầu bần" của họ", ông Dũng nói.

Bố theo "tà đạo", con trai chết oan vì không được cho đi viện - Ảnh 1.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban Tôn giáo TP Hà Nội

Cũng theo ông Dũng, các giáo phái "Long Hoa Di lặc", "Đạo bà Điền", "Thanh Hải vô thượng sư" có biểu hiện ảnh hưởng rõ nhất của các hoạt động truyền đạo trái phép. Trong số này, có một số từng được xem là tách ra từ các tôn giáo chủ lưu, truyền thống nhưng cũng không được các tôn giáo chủ lưu chấp nhận vì nó đã xa rời giáo lý của đạo, bởi tính chất mê tín dị đoan mà nó tuyên truyền.

Tính chất mê tín có khi trầm trọng còn do nó "gắn liền" với trình độ dân trí thấp của đông đảo tín đồ và những người sáng tạo ra nó. Chính vì thế, có không ít người tham gia các đạo này trở nên mê muội đã để lại một số hậu quả đáng buồn. Điều đáng nói, trong số những người tham gia tà đạo "Thanh Hải vô thượng sư", "Thiền vô vi"... có không ít người là trí thức, có học hàm, học vị cao trong xã hội.

Ông Dũng cho rằng, những đối tượng này đã lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chính thống để biến tướng thành các "tà đạo", tự phong, tự tạo cho mình một vẻ uy quyền, một danh tiếng ảo để lừa người, để trục lợi kiếm danh tiếng, tiền của, vật chất. Quần chúng nhân dân cần nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo, không nghe đối tượng xấu nói, không nhìn chúng làm. Phải lý trí sáng suốt, cân nhắc, suy xét, tìm hiểu thật kỹ. Vì mọi lời nói và cả những việc làm của chúng có thể ngụy tạo để tạo uy tín, tạo lòng tin đối với mọi người. Chúng chỉ có thể lừa gạt những người kém hiểu biết. Chúng chính là những kẻ "buôn thần bán thánh". Lợi dụng thần thánh để lừa gạt người u mê kém hiểu biết. Một khi chúng đã dắp tâm lừa gạt người thì chúng không từ thủ đoạn, mục đích gì để mưu cầu, đoạt lợi bản thân.

Người sáng lập ra đạo "Long Hoa Di Lặc" chỉ học hết lớp 2

Theo Bộ Công an, đạo "Long Hoa Di Lặc" là hiện tượng tôn giáo mới do Đào Thị Minh một nông dân, có trình độ học vấn thấp (2/10), tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội tự thành lập. Đào Thị Minh chưa từng đi tu tập theo bất kỳ giáo phái nào nhưng tự cho mình được Đức Phật Di Lặc hiện thân trong giấc mộng và truyền cho kinh "Di Lặc cứu kiếp" nên tự xưng là "Mẹ mẫu, lập ra Long Hoa Di Lặc".

Đạo Long Hoa Di Lặc xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hà Tây (cũ), sau đó lan rộng ra các tỉnh như Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Nam Định. Giáo lý đạo Long Hoa Di Lặc lấy một số điều trong giáo lý Phật giáo bổ sung thêm một số tin ngưỡng dân gian, đề cao vai trò Phật Di Lặc.

Bố theo "tà đạo", con trai chết oan vì không được cho đi viện - Ảnh 3.

Lực lượng công an tuyên truyền người dân cần tỉnh táo khi bị lôi kéo tham gia đạo "Long Hoa Di Lặc"

Hình thức tu tập là, dụ dỗ người tham gia bỏ bàn thờ tổ tiên hoặc chuyển bàn thờ tổ tiên sang vị trí khác để lập bàn thờ đạo tại vị trí trang trọng nhất trong nhà, thường quỳ mỗi ngày ba lần trước bàn thờ để đọc "kinh sách và các bài khấn vào sáng sớm, trưa, tối; đốt hương 24/24 giờ. Ở giữa là bát hương hình đài sen, 2 bên là rượu, nước lã, nước hoa quả, đèn nến... Khi đi dự lễ, hành hương, người già mặc màu vàng, trung niên mặc màu xanh, thanh niên mặc quần hồng đào.

Bà Minh tuyên truyền "ốm đau không phải đi bệnh viện, chỉ cần tụng kinh là khỏi", chữa bệnh bằng nước lã. Người theo đạo "Long Hoa Di Lặc" ăn kiêng các loại động vật và không thờ cúng tổ tiên, không phát tang khi gia đình có người chết, yêu cầu người tham gia rút khỏi các tổ chức đoàn thể. Số lượng người tham gia hầu hết ở các tỉnh phía Bắc, với thành phần tin theo chủ yếu là những người nghèo, gặp nhiều khó khăn trắc trở trong cuộc sống, người bị bệnh chữa lâu ngày không khỏi, người có trạng thái tâm thần.

"Đạo "Long Hoa Di Lặc" chưa được Nhà nước công nhận là tổ chức tôn giáo. Đề nghị nhân dân cần nhận diện rõ bản chất hoạt động của đạo "Long Hoa Di Lặc" để không tin, không bị lôi kéo tham gia và cảnh giác, đấu tranh với hoạt động tuyên truyền, phát triển của đạo này", ông Dũng khuyến cáo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.